Chất lượng tín dụng ngày càng đi vào chiều sâu
Theo NHCSXH tỉnh Đắk Nông, từ cuối năm 2014 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ của địa phương (bao gồm tỉnh, huyện) để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi là gần 100 tỷ đồng. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2018, nguồn vốn mà địa phương chuyển qua cho NHCSXH để thực hiện cho vay là gần 14 tỷ đồng.
Nhiều địa phương thực hiện tốt
Là một địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, huyện Tuy Đức đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40. Sau gần 4 năm thực hiện, số vốn huyện trích ngân sách chuyển qua cho NHCSXH huyện là hơn 2,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Cùng với việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân, chất lượng tín dụng tại đơn vị từng bước có chuyển biến rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn tại NHCSXH huyện chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ, giảm rất nhiều lần so với thời điểm cuối năm 2014.
Ông Trần Duy Kiên - Giám đốc NHCSXH huyện Tuy Đức cho biết: Điểm đáng của Chỉ thị 40 đó là Chủ tịch UBND cấp xã được bổ sung vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện. Điều này không những góp phần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, mà còn đẩy mạnh việc giám sát trong rà soát, bình xét cho vay, nâng cao hiệu quả công tác giải ngân, sử dụng vốn ưu đãi.
Theo ông Kiên thì không ai khác, chính quyền địa phương là cấp gần nhất, sát nhất với người dân nên nắm bắt rất rõ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân. Từ đây, chính quyền địa phương cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh cho vay, cũng như nâng cao chất lượng tín dụng tại cơ sở.
Tại huyện Đắk R’lấp, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 cũng được địa phương chú trọng. Theo ông K’Ngai, Giám đốc NHCSXH Đắk R’lấp, việc thực hiện Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào đời sống một cách thiết thực, có tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động tín dụng tại địa phương. Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn tại đơn vị chỉ chiểm 0,25% tổng dư nợ. Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, từ đó, quan tâm trích ngân sách bổ sung vào nguồn vốn cho vay.
Tập trung nâng cao chất lượng tín dụng
Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông, sau gần 4 năm khi thực hiện Chỉ thị 40, cùng với việc kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó, bên cạnh nguồn vốn TW, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đặc biệt, các địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Đối với các trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng chây ì, chính quyền các cấp đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc để ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng đạt hiệu quả cao hơn. Cũng nhờ đó, chất lượng tín dụng được bảo đảm, nợ quá hạn trong toàn chi nhánh đến nay chỉ chiếm tỷ lệ 0,32% tổng dư nợ.
“Từ khi quán triệt thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan tín dụng chính sách xã hội đều được nắm bắt và triển khai kịp thời”, ông Hòa cho biết thêm.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị 40, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung thực hiện tốt các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, NHCSXH tỉnh Đắk Nông còn phối hợp cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung đã nhận ủy thác. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cũng như thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ, sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn.
Bài và ảnh Nguyễn Lương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi
- » Chương trình giải quyết việc làm tác động tích cực đến hộ SXKD tại TP Đà Lạt
- » Thanh Sơn thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
- » Đồng bào DTTS tại tỉnh Quảng Nam có cơ hội phát triển kinh tế
- » 3 chàng trai đa tài vào chốn “thâm sơn” khởi nghiệp làm giàu
- » Điểm tựa giúp dân thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Vốn tín dụng ưu đãi ở huyện nông thôn mới Yên Định
- » Cầu nối thoát nghèo
- » Vai trò nguồn vốn ưu đãi giảm nghèo ở Phù Ninh