Vốn tín dụng ưu đãi ở huyện nông thôn mới Yên Định

18/05/2018
(VBSP News) Với việc tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng một số các chương trình tín dụng cho vay an sinh xã hội như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang dần thu hẹp tại huyện nông thôn mới Yên Định, hiện các chương trình tín dụng đang có sự chuyển dịch sang tập trung cho vay vốn hộ mới thoát nghèo, vay vốn SXKD, xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm...
Hiệu quả từ nguồn vốn vay NHCSXH huyện Yên Định đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương

Hiệu quả từ nguồn vốn vay NHCSXH huyện Yên Định đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương

Trở về Yên Định - huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa (công nhận năm 2015), điều dễ nhận ra so với các huyện khác đó là cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn đồng bộ khang trang. Trên những cánh đồng đã không còn độc canh cây lúa mà thế vào đó là những vùng trồng rau tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, những khu trang trại quy mô… Ông Vũ Mạnh Khang, Giám đốc NHCSXH huyện Yên Định tự hào: “Để góp công giúp huyện nhà “cán đích” huyện nông thôn mới năm 2015, NHCSXH huyện đã tập trung đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng từ đó góp phần giúp các địa phương từng bước vượt, đạt và hoàn thành các tiêu chí”.

Cụ thể, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện  hơn 346 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm theo Nghị định 61/2015 gần 7 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm nguồn vốn NHCSXH huy động là 1 tỷ đồng; cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài gần 500 triệu đồng…

Ông Đinh Quang Dân - Giám đốc doanh nghiệp Dân Thắng - chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre nứa ở xã Định Tường, khách hàng truyền thống của NHCSXH huyện là một ví dụ điển hình trong việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.

Nhiều năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, ông Dân đã đầu tư vào cơ sở sản xuất của mình. Ông Dân nhớ rõ: Năm 2004, khi đó doanh nghiệp của gia đình gặp khó về nguồn vốn, nhờ 100 triệu đồng vốn vay từ NHCSXH và các nguồn vay khác, ông đã yên tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị vào sản xuất. Yên tâm về đồng vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh gặt hái được nhiều thành công, kể từ đó tới nay, nhờ vốn vay từ NHCSXH huyện, cơ sở sản xuất của ông không ngừng phát triển, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về hiệu quả từ nguồn vốn vay NHCSXH những năm qua, ông Dân vui vẻ: “Lao động của mình chủ yếu là bà con nông dân, công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi kỹ thuật, cẩn thận và thời gian làm việc cũng bất kể, lúc nông nhàn, khi rảnh rỗi. Chủ yếu bà con nhận hàng, nguyên vật liệu về nhà làm, khâu đoạn nào cần phải máy móc thì đến xưởng”.

Đặc biệt, trong số lao động làm việc tại cơ sở sản xuất của ông Dân có khoảng hơn 20 lao động thuộc đối tượng tàn tật, bảo trợ xã hội.

Theo kiến nghị của ông Dân, điều mà doanh nghiệp của ông cũng như nhiều doanh nghiệp mới thành lập gặp khó khăn về vốn đang rất muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Tuy nhiên, mức cho vay hiện đang còn hạn chế, để giải quyết được những nhu cầu bức thiết về vốn, để doanh nghiệp đứng vững, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, các cơ quan, ban ngành cần tạo điều kiện quan tâm hơn nữa về nguồn vốn.

Với tiềm năng trên dưới 800 doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng trên địa bàn huyện, trong đó có nhiều doanh nghiệp mới hình thành. Sắp tới, ngoài những chương trình tín dụng cho vay truyền thống, NHCSXH huyện Yên Định sẽ triển khai chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, và nguồn 1 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập. Đây hứa hẹn sẽ là đối tượng khách hàng tiềm năng”, ông Khang chia sẻ.

Đình Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác