Cấp ủy vào cuộc, người dân hưởng lợi

15/05/2018
(VBSP News) Hơn 3 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân.
NHCSXH huyện Hoành Bồ giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH huyện Hoành Bồ giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã

Cũng như nhiều gia đình khó khăn khác, thoát nghèo là mong ước lớn nhất của gia đình chị Lô Thị Thủy ở xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. Nhưng với hoàn cảnh của gia đình chị thì việc có số vốn vài chục triệu đồng để đầu tư sản xuất là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH dành cho hộ nghèo như chiếc phao cứu sinh giúp vợ chồng chị thoát cảnh nghèo khó.

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình chị Thủy đã được vay 50 triệu đồng hộ nghèo. Với số tiền này, chị Thủy tập trung vào việc trồng keo, theo dự tính, nếu chăm bón tốt, sau 7 năm nữa, cánh rừng này sẽ giúp cuộc sống gia đình chị đổi thay. Chị Thủy cũng vay vốn để xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, tổng số tiền chị được NHCSXH huyện Bình Liêu cho vay là 62 triệu đồng.

Chăm chỉ làm lụng, thu lãi từ những lứa lợn xuất chuồng, tiền tích góp được chị quay vòng vốn để chăm sóc rừng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi, tăng đàn lợn, đàn gà, xây hầm biôgas. Giờ đây, vợ chồng chị Thủy không những đã thoát được nghèo mà còn có thu nhập ổn định từ 100 triệu đồng/năm, đời sống ngày một sung túc.

Không chỉ gia đình chị Thủy được hưởng lợi từ chính sách thoát nghèo của Đảng và Nhà nước. Sau 3 năm triển khai Chỉ thị 40, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã giúp gần 10 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho trên 15 ngàn lao động, trên 2 ngàn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng trên 36 ngàn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và gần 3 ngàn căn nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách.

Được biết, thực hiện Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai. Qua đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên.

UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể tới UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến các địa phương đều quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng hoạt động như bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở, cùng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính… Đáng chú ý, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm bố trí từ ngân sách bổ sung nguồn vốn cho ngân hàng để thực hiện cho vay.

Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh và cấp huyện ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho vay đạt trên 136 tỷ đồng. Trong quý I/2018 NHCSXH tỉnh đã nhận được ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương là 16 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng nguồn vốn của toàn chi nhánh là 2.615 tỷ đồng, tăng 912 tỷ đồng so với cuối năm 2014 khi bắt đầu triển khai Chỉ thị 40. Điều này cho thấy sự quan tâm tích cực của các cấp, ngành và địa phương trong việc tạo điều kiện đưa tín dụng chính sách xã hội đến với người dân.

Bên cạnh đó, hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đã được củng cố, kiện toàn, bổ sung với 186 thành viên là Chủ tịch UBND các cấp. Theo đó, các Ban đại diện HĐQT thường xuyên tổ chức phiên họp định kỳ theo đúng quy định, đồng thời ban hành Nghị quyết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thời gian tiếp theo. Trên cơ sở đó, các thành viên phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác giám sát hoạt động của ngân hàng và các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, chủ động tháo gỡ vướng mắc. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở.

NHCSXH và tổ chức hội, đoàn thể các cấp đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý vốn tín dụng chính sách; thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác; thay đổi phương pháp tập huấn đối với cán bộ làm ủy thác, phân tích, đánh giá những hạn chế để tập trung tìm cách tháo gỡ. Nhờ vậy, các chương trình tín dụng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống hội, đoàn thể tham gia vào hỗ trợ nhân dân giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế.

Bài và ảnh Cao Quỳnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác