Đánh thức huyện nghèo

14/05/2018
(VBSP News) Bắc Trà My là huyện vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam, gần 53% đồng bào DTTS. Huyện có 13 xã, thị trấn, thì 8 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn trên 45%. Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Anh Tuấn: Tín dụng chính sách đang từng bươc đánh thức huyện nghèo.
Ông Hồ Trường Sinh chăm sóc đồi keo

Ông Hồ Trường Sinh chăm sóc đồi keo

Với 12chương trình tín dụng trên địa bàn, năm 2017 NHCSXH huyện Bắc Trà My đạt tổng dư nợ trên 312 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho vay hộ nghèo có dư nợ lớn nhất trên 127 tỷ đồng (trên 4.200 hộ vay, trung bình gần 30 triệu đồng/hộ). Ông Trần Đăng Ngọc - Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Trà My cho biết, bà con sử dụng vốn vay chủ yếu trồng rừng (cây keo nguyên liệu), chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải tạo vườn nhà, vườn đồi, xây dựng trang trại…

Nguồn vốn từ NHCSXH đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 7%. Tuy vậy, so với mặt bằng chung toàn tỉnh tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bắc Trà My hiện vẫn ở mức khá cao.

Bà Huỳnh Thị Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Bắc Trà My lý giải hiện tượng nghèo ở địa phương: “Đối với người dân ở Bắc Trà My, hơn 50% là đồng bào DTTS việc thay đổi ý thức là điều khó khăn. Ý thức của người dân không tự giác trong việc giảm nghèo khiến huyện gặp rất nhiều trở ngại. Có thể nói rằng, nếu thay đổi được ý thức người dân sẽ thay đổi được căn nguyên gốc rễ của sự nghèo. Nhưng, đây không hề là việc dễ dàng, mà phải thực hiện theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, tác động bằng cách tuyên truyền để thay đổi ý thức, hướng dẫn người dân thoát nghèo theo kiểu trực tiếp, cầm tay chỉ việc chứ không nói suông được”.

Gia đình ông Đinh Văn Thành, dân tộc Ca Dong thuộc diện hộ nghèo ở thôn 7, xã Trà Tân là một minh chứng cụ thể, sinh động cho nhận định của Phó Chủ tịch huyện. Hai vợ chồng trẻ tách hộ từ năm 2009, nuôi 2 con nhỏ, nhà có đất, có sức lao động nhưng không biết làm cách nào để thoát nghèo. Đảng ủy, UBND xã Trà Tân sau khi khảo sát nguyên nhân nghèo, nhận thấy gia đình ông Thành có thể thoát nghèo được - nếu có sự trợ giúp, nên đã đồng hành cùng gia đình. Xã phân công cán bộ nông nghiệp hướng dân vợ chồng ông Thành cách trồng lúa nước, hoa màu (ngô, đậu…) trên diện tích đất ông đang có. Khu vườn quanh nhà cũng được những cán bộ xã góp sức cùng gia đình cải tạo lại trồng cây ăn quả, khoanh vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh. Mỗi cán bộ xã Trà Tân góp 1 ngày lương ủng hộ mua cây keo giống cho ông Thành trồng. Xã cũng huy động sự trợ giúp từ bên ngoài, xây dựng cho ông một ngôi nhà. Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, NHCSXH huyện Bắc Trà My cho ông vay 30 triệu đồng để mua bò, lợn, gà về nuôi. Sau hơn một năm được “khuyến nông”, cầm tay chỉ việc, được tín dụng chính sách tiếp sức ông Thành đã “thay đổi được ý thức” biết cách làm ăn, có nguồn thu nhập ổn định và chính thức ra khỏi hộ nghèo năm 2015.

Từ chỗ khá xa lạ với việc sử dụng vốn vay ngân hàng, đến nay đồng bào các dân tộc ở Bắc Trà My đã chủ động đến NHCSXH tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng rừng nguyên liệu. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã “phủ sóng” khắp 80/80 thôn, tổ dân phố của 13/13 xã, thị trấn trong huyện. Xã có dư nợ thấp nhất như Tà Ka cũng trên 9 tỷ đồng, xã nhiều như Trà Dương, Trà Giang có số dư lên tới 30 - 32 tỷ đồng. Từ năm 2005 đến nay, nhân dân tích cực nhận khoán trồng rừng theo dự án WB3 nhiều hộ từ đói nghèo trở nên khá giả. Điển hình như gia đình ông Hồ Trường Sinh, dân tộc Kor, ở thôn 3 xã Trà Giang. Được vay 170 triệu đồng từ NHCSXH, ông trồng hơn 30ha keo. Năm 2015, đến thời kỳ thu hoạch, bán một phần nhỏ diện tích keo nguyên liệu ông thu về 330 triệu đồng. Phần diện tích còn lại ông “quay vòng” khai thác, năm nào cũng có thu nhập cả trăm triệu đồng. Bốn người con của ông mỗi người cũng có 8 - 10ha keo nguyên liệu. Học theo ông Sinh, cả thôn 3 có 170 gia đình, tất cả đều vay vốn NHCSXH để trồng keo, chăn nuôi, cải tạo vườn. Với cách làm thu hoạch đến đâu trồng lại rừng keo nguyên liệu tới đó, nhờ vậy những hộ có từ 4 - 5ha keo trở lên năm nào cũng có thu hoạch gối đầu. Mấy năm nay đời sống bà con khá lên nhiều, nhà nào cũng có xe máy, ti vi, tủ lạnh. Nhờ làm ăn hiệu quả nên cả tổ 3 không có nợ quá hạn, các hộ vay vốn đều trả tiền lãi và gốc cho ngân hàng đúng kỳ, đúng hạn. “Tín dụng ưu đãi đang đánh thức huyện nghèo Bắc Trà My. Có NHCSXH đồng hành chúng tôi tiếp tục khai thác triệt để nội lực kinh tế bản địa, phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, gắn giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới”, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác