“Đòn bẩy” thoát nghèo của đồng bào Khmer
Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 320 nghìn đồng bào là người dân tộc Khmer, chiếm khoảng 31% dân số của tỉnh. Từ nguồn vốn vay ưu đãi chính sách, bà con dân tộc Khmer đã có điều kiện phát triển nhiều mô hình sản xuất để thoát nghèo. Điển hình như xã Lương Hòa, huyện Châu Thành có gần 52% đồng bào Khmer sinh sống. Theo Chủ tịch UBND xã Lương Hòa Phan Văn Oanh, toàn xã có 3.159 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer là 1.620 hộ. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với các đồng bào dân tộc ít người. Nhưng từ nguồn vốn của Chính phủ thông qua NHCSXH, nhiều hộ đã thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hộ gia đình chị Thạch Thị Bích Som tại ấp Bình La, xã Lương Hòa là một tấm gương như vậy. Từ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, chị đã mạnh dạn mở một tiệm may nhỏ, đồng thời kết hợp cho thuê áo cưới, trang điểm,… Đến nay, cửa hàng của chị cũng mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá ổn định với mức khoảng 4 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm mùa cưới là khoảng 9 triệu đồng/tháng.
Hay như gia đình chị Kim Thị Nga ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang vay vốn hộ nghèo 8 triệu đồng và hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định 74 để trồng ớt chỉ thiên, tạo thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Đến tháng 12/2016, chị lại được xét duyệt cho vay chương trình hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33 để xây nhà tường khang trang, kiên cố, thay cho ngôi nhà tranh dột nát trước đây.
Ngoài ra, nhiều hộ dân khác trên địa bàn cũng đã mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi heo, đào ao thả cá, nuôi tôm kết hợp trồng cây ăn trái cho thu nhập cao, trở thành những mô hình điểm để các hộ dân đồng bào DTTS trong vùng làm theo.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Trà Vinh Lê Hoàng Phi, nhằm tạo điều kiện giúp người nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền địa phương, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, công tác huy động nguồn vốn, quản lý điều hành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được thực hiện một cách linh hoạt, công tác giám sát nguồn vốn được thực hiện chặt chẽ,… nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch tăng trưởng được giao, giải ngân nhanh, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Năm 2018, NHCSXH tỉnh Trà Vinh được giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng là 163 tỷ đồng (tăng 7,8%). Trong đó, riêng cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định 2085 là 25 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tại NHCSXH huyện Châu Thành, trong thời gian qua đã có hơn 3.340 hộ dân tộc đặc biệt khó khăn vay vốn chuyển đổi nghề, mua đất sản xuất (trong đó hỗ trợ cho 173 hộ dân tộc nghèo mua đất sản xuất, 36 hộ chuộc lại đất).
Những kết quả này đã góp phần tích cực trong giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí và bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với chương trình cho vay vốn chính sách ưu đãi, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh còn quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, trường mẫu giáo tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn, với tổng kinh phí gần 459 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TW hỗ trợ gần 63 tỷ đồng, vốn vay NHCSXH gần 390 tỷ đồng, số tiền còn lại do ngân sách địa phương đối ứng.
Mục tiêu của Đề án là sẽ có gần 16 nghìn lượt hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt và vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất. Riêng trong năm 2018, tỉnh sẽ triển khai nguồn vốn gần 242 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở cho 227 lượt hộ, chuyển đổi nghề cho 4.676 lượt hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 324 lượt hộ, hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với 325 lượt hộ,…
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, năm 2017, tỉnh Trà Vinh đã giảm được gần 7.300 hộ nghèo (tương đương 2,75%) so với năm 2016; trong đó, có hơn 4.000 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn hơn 23 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,41% tổng số hộ dân trong tỉnh. Nhưng cũng theo đánh giá của một số lãnh đạo địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững, nguy cơ nghèo và tái nghèo còn cao. Do vậy, việc huy động thêm các nguồn lực để cùng NHCSXH tạo cơ hội, điều kiện cho bà con thoát nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khmer, tiếp tục cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Bài và ảnh Hồng Anh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay NHCSXH
- » Huyện Mai Châu phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo
- » Chuyện những “Cặp lá yêu thương” ở Trà Vinh
- » Phù Cừ tập trung huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
- » Nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi
- » Miền núi Quan Hoa giảm nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã
- » Gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới ở Xích Thổ