Miền núi Quan Hoa giảm nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi

27/04/2018
(VBSP News) Quan Hóa là huyện vùng cao biên giới cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa khoảng 150km về phía Tây theo Quốc lộ 47 và 15A. Theo số liệu thống kê vào thời điểm năm 2008, nơi đây có 16/17 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn. Từ khi có nguồn vốn hỗ trợ từ NHCSXH, bà con DTTS huyện Quan Hóa đã nâng cao thu nhập, giảm hẳn nghèo.

Người dân miền núi huyện Quan Hóa có vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi lợn

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, NHCSXH huyện Quan Hóa đã chủ động, trực tiếp tham gia thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững của địa phương. Theo phương châm “đánh nghèo” tại chỗ, NHCSXH huyện Quan Hóa đã phối hợp chặt chẽ cùng các cấp chính quyền cơ sở, hội, đoàn thể nhận ủy thác, phát huy ưu thế “cầu nối” của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trải rộng ở các thôn, bản để chuyển tải kịp thời, đầy đủ nguồn vồn ưu đãi đến đúng đốt tượng thụ hưởng; lồng ghép việc sử dụng vốn vay ưu đãi với việc chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, hỗ trợ hộ nghèo và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chuyển đổi đúng hướng cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất nông sản thực phẩm hàng hóa.

Đặc biệt từ năm 2015 NHCSXH đã làm tốt việc tham mưu cho huyện ủy, UBND huyện ban hành văn bản triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác tín dụng chính sách từ huyện đến xã nhằm thống nhất phân bổ nguồn vốn kịp thời, công bằng, thu hồi số nợ quá hạn phát sinh. Cùng với đó, cải tiến đơn giản điều kiện, thủ tục hồ sơ vay vốn, xây dựng tổ chức được mạng lưới Điểm giao dịch tại xã, củng cố hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn bản, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Nhờ vậy, hơn 300 tỷ đồng của 13 chương trình tín dụng do NHCSXH tổ chức thực hiện đã trở thành động lực đột phá trong quá trình thực hiện Đề án giảm nghèo của huyện Quan Hóa. Người dân đã sử dụng nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm cảnh nghèo khó, túng thiếu.

Chị Cao Thị Nhau, trú tại bản Khằm, xã Hồi Xuân cho biết, chị sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái nghèo, gia cảnh chị rất khó khăn. Con lớn đến tuổi đi học, hoàn cảnh càng vất vả hơn, chị và chồng đã làm việc nhiều mà không đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2015, gia đình chị được vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH. Chị quyết định xây dựng mô hình gia trại tổng hợp, ngoài chăn nuôi, chị trồng thêm các loại cây keo, sắn mía, ngô, cùng với đó là chăn nuôi thêm gà, trồng rau màu. Nhờ sự kiên trì chịu khó, hiện chị đã có một gia trại tổng hợp rộng 4ha bao gồm 25 con lợn, 50 con gà, 2ha cây keo, 1ha cây lát; thu nhập bình quân khoảng 90 triệu/năm.

Anh Lũ Văn Túc, trú tại bản Ban, xã Hồi Xuân, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được vay vốn ưu đãi. Năm 2015, anh đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản và phát triển kinh tế vườn đồi. Bằng sự chăm chỉ, chịu khó, kinh tế của gia đình anh nay đã ổn định, đàn gia súc, các loại cây ăn quả, lâm nghiệp đều phát triển tốt và cho năng suất cao. Từ một hộ khó khăn, đến nay gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân của gia đình anh khoảng 60 triệu/năm.

Bà Phạm Thị Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân cho biết: Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh huyện, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc dựng xây cuộc sống no đủ, làng quê vùng cao cũng thay da đổi thịt không ngừng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống từ 58% xuống 44%.

Đông Dư thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác