Đi lên từ nguồn vốn vay

20/04/2018
(VBSP News) 150 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB quản lý trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát huy hiệu quả khi giải quyết cho trên 5.000 hội viên CCB tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH và vốn vay không lãi từ quỹ hội với số tiền trên 120 tỷ đồng.
Mô hình trồng rau sạch của hội viên CCB huyện Quảng Điền

Mô hình trồng rau sạch của hội viên CCB huyện Quảng Điền

Giàu lên từ vốn vay

Qua giới thiệu của ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Lộc, chúng tôi về thăm trang trại của CCB Trần Văn Chỉnh ở thôn Đông Xuân, xã Lộc Điền. Nhìn ngôi biệt thự giữa khu vườn xanh mướt, khó ai tin cách đây 5 năm, gia đình ông còn gặp vô vàn khó khăn về kinh tế.

Về hưu năm 2013, thấy sức khỏe còn tốt, lại khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, CCB Trần Văn Chỉnh đã dốc hết vốn liếng và vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư cải tạo đất, trồng hồ tiêu và cây ăn quả lâu năm. Trên diện tích 3ha đất của gia đình, ông trồng 1.000 gốc hồ tiêu, còn lại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà, vịt và 300 con bồ câu Pháp.

CCB Trần Văn Chỉnh chia sẻ: “Dù học hỏi kinh nghiệm khắp nơi, tìm hiểu rất kỹ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhưng do thời tiết quá khắc nghiệt, nên mấy năm đầu cứ tới mùa nắng thì nhiều cây bị chết, mùa mưa không thoát nước kịp tiêu cũng bị úng. Lấy đó làm kinh nghiệm, tôi quyết tâm trồng lại và đầu tư thêm hệ thống tưới nước mùa hè, chống úng mùa mưa”. Nhờ kiên trì canh tác, đến nay, 1.000 gốc hồ tiêu của gia đình ông “sống khỏe” và cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ông Chỉnh cũng đang mở rộng gia trại, đầu tư nuôi thêm bò để tạo nguồn phân bón phục vụ cho việc trồng trọt.

Gia đình CCB Lê Cảnh Đoàn ở xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền đã vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển xưởng mộc. Có thêm vốn, ông mạnh dạn làm sẵn các sản phẩm mộc để trưng bày, giới thiệu cho khách chứ không phải đợi có người đặt hàng mới làm như trước. Có nhiều kinh nghiệm và tay nghề vững, xưởng mộc của CCB Lê Cảnh Đoàn ngày càng phát triển, đã phát triển thành tổ mộc và tạo việc làm cho 7 lao động trẻ tại địa phương.

Hiệu quả nhiều mặt

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, hiện nay, Hội CCB xã Quảng Phước đã có 22 gia trại.  Nhiều CCB ở xã đã phát huy được hiệu quả của nguồn vốn vay. Trong đó, một số CCB thu nhập hàng năm từ 150 - 200 triệu đồng như: CCB Lê Đình Tuấn, Phan Ngừng với mô hình chăn nuôi gia trại; CCB Phan Ngọc Vui, chăn nuôi vịt đẻ và lò ấp trứng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương…

Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, Hội CCB xã Quảng Phước thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn; kịp thời tuyên dương các mô hình phát triển kinh tế, gương SXKD giỏi để ghi nhận sự nỗ lực của hội viên cũng như tuyên truyền nhân rộng trong nhân dân. Ông Phan Lương Thảo - Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Phước cho biết, đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB xã quản lý có 193 hội viên vay vốn ưu đãi với số tiền trên 5 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được các hội viên CCB sử dụng đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên CCB giảm còn 2,5%.

Hội CCB TP Huế cũng đã xây dựng được 23 Tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 700 hội viên tham gia vay. Công tác quản lý vốn vay luôn chặt chẽ, các hộ vay vốn đều làm ăn có hiệu quả, trả vốn đúng thời hạn và không có trường hợp xâm tiêu vốn.

Tuy số tiền được vay từ NHCSXH cho vay  từ 20 - 40 triệu đồng/hộ, nhưng đã trở thành cứu cánh cho không ít gia đình CCB nghèo và là cơ hội để nhiều CCB vươn lên làm giàu chính đáng. Gần 400 hội viên trên địa bàn tỉnh được vay nguồn vốn ưu đãi đã vươn lên làm giàu với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, 8 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho gần 11 ngàn lao động địa phương.

Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo đã được các CCB đồng sức, đồng lòng thực hiện, tạo nên sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và vươn lên trong cuộc sống trong các hội viên và người dân.

Ông Bùi Như Ý, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hội viên mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tại các địa phương như trồng tiêu, thanh trà, rừng kinh tế… và đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh nguồn vốn vay ưu đãi, hội sẽ tiếp tục kết nối nguồn vốn vay ủy thác khác từ các đoàn thể để giúp đỡ hội viên có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế.

Bài và ảnh Thanh Thảo

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác