Hiệu quả từ vốn vay chính sách ở vùng ven Thừa Thiên - Huế

28/03/2018
(VBSP News) Là một huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện toàn huyện Phú Lộc có 11/18 xã, thị trấn thuộc diện xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Vì vậy, vấn đề giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt ra đối với Phú Lộc trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ NHCSXH huyện thăm mô hình nuôi cá Chình của bà Nguyễn Thị Lang ở xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc

Cán bộ NHCSXH huyện thăm mô hình nuôi cá Chình của bà Nguyễn Thị Lang ở xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc

Trong những năm qua, NHCSXH đã khẳng định được chức năng, nhiệm vụ, vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Mô hình hoạt động của NHCSXH đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ Chính phủ giao, thực sự tạo được niềm tin và uy tín đối với toàn xã hội, xứng đáng là người bạn đồng hành đáng tin cậy của các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Lang 65 tuổi ở thôn 1, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc chia sẻ, năm 2015, gia đình bà được tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Phú Lộc. Từ nguồn vốn vay này, bà Lang quyết định xây dựng ao để mở rộng diện tích nuôi cá chình. Hai năm sau, bà Lang trả được số nợ cũ và tiếp tục được tạo điều kiện, hướng dẫn làm các thủ tục để vay số tiền lớn hơn là 30 triệu đồng mở rộng diện tích ao hồ nuôi cá.

“Đến nay, gia đình tôi có 3 hồ nuôi cá chình, một hồ nuôi các loại cá trê, ngoài ra, gia đình chúng tôi còn đầu tư trồng rau và hoa màu, thu nhập bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, nguồn lãi từ các hồ nuôi đạt hơn 50 triệu đồng…”, bà Lang cho biết.

Xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc có hơn 1.500 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu. Người dân trong xã chủ yếu làm nghề chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản. Từ khi triển khai chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể trong xã tích cực, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện Phú Lộc để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả.

Anh Đoàn Trọng Tiến ở thôn 1, xã Vinh Mỹ chia sẻ, giữa năm 2017, sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Phú Lộc để SXKD, anh đã mạnh dạn vay thêm anh em, bạn bè để mở một xưởng may tại nhà. Đến nay, xưởng may đã tạo công ăn việc làm cho hơn 50 công nhân, thu nhập bình quân mỗi công nhân từ 3 đến 9 triệu đồng/tháng.

Ông Tô Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ, huyện Phú Lộc cho biết: Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều hộ dân trong xã phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 3 - 5%.

Đến nay, tổng dư nợ vốn vay của NHCSXH huyện Phú Lộc là 302 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH huyện tăng gấp 8 lần so với khi mới thành lập, với 13 chương trình tín dụng ưu đãi, có 302 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 12.050 khách hàng vay vốn đang còn dư nợ. Nhờ công tác quản lý vốn tốt và hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả, nên chất lượng tín dụng chính sách ngày càng nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp chỉ chiếm 0,22% trên tổng dư nợ toàn huyện. Từ hiệu quả đó, NHCSXH huyện Phú Lộc sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay hiệu quả nhất để phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc NHCSXH huyện Phú Lộc cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục tham mưu lãnh đạo, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, đặc biệt trong năm 2018 triển khai thêm chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ.

Ông Văn Đức Thọ - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định: “Thực tiễn qua hơn 15 năm hoạt động của NHCSXH cho thấy, phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số nội dung, công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho các tổ chức hội, đoàn thể đã đảm bảo việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng. Đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để SXKD, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống”.

Bài và ảnh Thùy Nhung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác