Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Yên Lạc giảm còn 3%

28/03/2018
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã thực hiện hiệu quả việc chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng vay vốn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Lạc chỉ còn 3%. Huyện phấn đấu hết năm 2018 giảm còn dưới 2,3%.
Nhờ vốn vay chương trình giải quyết việc làm, xưởng may của gia đình chị Nguyến Thi Thu Hương ở xã Yên Phương hoạt động hiệu quả

Nhờ vốn vay chương trình giải quyết việc làm, xưởng may của gia đình chị Nguyến Thi Thu Hương ở xã Yên Phương hoạt động hiệu quả

Yên Lạc là huyện thuần nông, nằm ở phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Trần Thanh Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhờ cách làm sáng tạo của NHCSXH huyện và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức hội, đoàn thể đã đưa nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời đến đối tượng được vay, giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; đặc biệt là HSSV nghèo khó khăn có điều kiện tiếp tục được đến trường học tập. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch ngày càng tăng, nâng cao chất lượng cuộc sóng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… góp phần tích cực giảm nghèo, duy trì và nâng cao tiêu chí huyện nông thôn mới của địa phương”. Xin được nói thêm, năm 2015 - Yên Lạc là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Phúc.

Tính đến hết năm 2017, NHCSXH huyện Yên Lạc đạt tổng dư nợ 302 tỷ đồng (tăng 24 tỷ đồng so với năm 2016), trên 10.700 hộ còn dư nợ. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt hơn 52 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo hơn 67 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 49 tỷ đồng; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn hơn 30 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 76,3 tỷ đồng; giải quyết việc làm hơn 24 tỷ đồng; XKLĐ 3,3 tỷ đồng. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ đã sử dụng vốn vay đùng mục đích, hiệu quả.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Phạm Văn Xanh ở thôn Cổ Tích, xã Đồng Cương nhiều năm là đối tượng hộ nghèo. Kinh tế gia đình có nhiều khó khăn do cả hai ông bà đều già yếu, không có nguồn thu nhập ổn định. Cả nhà chỉ trông mong vào 6 sào ruộng. Bản thân ông Xanh và người con trai không may bị tai nạn, phải nằm viện điều trị trong thời gian dài. Cuộc sống đã khó khăn lại thêm khốn khó, nợ nần chồng chất… Năm 2008, được Hội Nông dân xã giới thiệu, gia đình bà Nghĩa được NHCSXH cho vay 14 triệu đồng, đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà đem lại thu nhập ổn định và thoát nghèo năm 2013. Cùng năm, NHCSXH triển khai cho vay hộ cận nghèo, gia đình bà Nghĩa lại được vay 20 triệu đồng. Vốn vay tín dụng ưu đãi cộng với tiền vay của anh em, họ hàng, gia đình mua 2 con nghé. Cuối năm 2014 nghé đã lớn thành trâu, bà bán bớt 1 con. Sau khi trả hết nợ gốc và lãi ngân hàng, số tiền còn lại bà tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi… Cùng xóm Cổ Tích, gia đình bà Nguyễn Thị Sang cũng là hộ cận nghèo, được NHCSXH huyện Yên Lạc cho vay 30 triệu đồng, đầu tư nuôi bò sinh sản. Được chăm sóc chu đáo, bò mẹ đẻ bò con. Từ 1 con bò, phát triển thành 2 - 3 con bò. “Tôi sẽ nuôi bò lớn nhanh, đẻ nhiều bán lấy tiền trả nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế”, bà Sang quả quyết.

Sau khi rời khỏi quân ngũ, CCB Nguyễn Văn Quyết về quê hương: Tổ dân phố Đoài 4, thị trấn Yên Lạc. Do không có vốn để đầu tư buôn bán, làm nghề nên cuộc sống cả nhà chỉ biết trong chờ vào mấy sào ruộng. Gánh nặng chuyện cơm áo ngày càng đè nặng lên vai người CCB, khi vợ ông mắc phải bệnh tâm thần, một mình phải vất vả kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ và chữa bệnh cho vợ. Vì vậy, gia đình ông luôn “thường trực” trong danh sách hộ nghèo địa phương. Năm 2010, được sự giúp đỡ của Hội CCB thị trấn, NHCSXH huyện Yên Lạc cho ông vay 17 triệu đồng đầu tư vào nghề mộc. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, cộng thêm tinh thần vượt khó xóa nghèo dần dần cuộc sống gia đình ông Quyết đỡ vất vả hơn. Từ thực tế SXKD, nhu cầu mở rộng quy mô xưởng mộc đòi hỏi, Hội CCB thị trấn Yên Lạc và NHCSXH tiếp tục tạo điều kiện cho ông Quyết được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm. Do lấy công làm lãi và nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, nên sản phẩm của ông làm ra tới đâu tiêu thụ hết đến đó. Năm 2015, gia đình ông Quyết  thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày một khá giả hơn. Đến nay, ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, xưởng mộc được đầu tư nhiều máy móc, sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Từ những gia đình cụ thể như bà Nghĩa, ông Xanh ở thôn Cổ Tích, xã Đồng Cương; CCB Nguyễn Văn Quyết ở thị trấn Yên Lạc… tín dụng chính sách đã góp phần tích cực duy trì, nâng cao tiêu chí nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện chỉ còn 3%; giá trị sản xuất bình quân đạt 49 triệu đồng/người. NHCSXH đã và đang đồng hành cùng người dân Yên Lạc tiến lên phía trước.

Bài và ảnh Hồ Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác