Niềm vui chưa trọn

28/03/2018
(VBSP News) Theo báo cáo tổng hợp (cuối tháng 2 vừa qua) của Bộ KH&ĐT, kết quả thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững năm 2017 đều vượt kế hoạch. Tuy vậy, niềm vui chưa trọn.
Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến với đồng bào DTTS đạt hiệu quả thiết thực

Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến với đồng bào DTTS đạt hiệu quả thiết thực

Cụ thể, tính đến hết năm 2017, cả nước có 3.069 xã (chiếm 34,4% tổng số xã cả nước, trong khi chỉ tiêu năm 2017 là 31%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 712 xã so với cuối năm 2016. Hiện, 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với năm 2016.

Cùng với có thêm nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương đã phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm ở các xã cũng chuyển biến, khi cả nước đã có 4.859 xã đạt chuẩn, tăng 7% so với cuối năm 2016.

Nhiệm vụ giảm nghèo bền vững cũng được các Bộ, địa phương triển khai vượt yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia hồi đầu năm ngoái là đạt mức giảm hộ nghèo ở cận cao (1,5%) theo chỉ tiêu quốc hội giao. Cụ thể, cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,72% (giảm khoảng 1,51% so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5%; hộ nghèo ở các xã đặc biệt vùng khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt vùng khó khăn, xã biên giới, xã ATK dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 - 4%. Có 10/291 xã đặc biệt vùng khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt vùng khó khăn.

Cũng theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, NHCSXH đã thực hiện cho vay 2.120 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 55.956 tỷ đồng, tăng 806 tỷ đồng so với năm 2016. Qua đó, giúp gần 400.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 205.000 lao động; giúp trên 62.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng gần 41.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ dân vùng ĐBSCL.

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế đang cho thấy công tác giảm nghèo trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn hế, hệ thống chính sách còn có sự chồng chéo, chia cắt, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu làm cho kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các địa phương không đồng đều, nguy cơ tái nghèo cao. Khu vực Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 34,52%; tiếp theo là miền núi Đông Bắc (20,74%) và Tây Nguyên (17,14%); Đông Nam bộ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,23%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bằng sông Hồng cũng chỉ là 4,76%.

Tháng 9/2015, taị Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Việt Nam cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức, không để bất cứ ai bỏ lại phía sau. Để thực hiện cam kết trước cộng đồng quốc tế, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Có thể nói, phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều là cuộc đổi thay lớn trong quan điểm về công tác giảm nghèo.

Giảm bớt khó khăn, thách thức thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đưa ra nhiều điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả chương trình. Theo ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, một số điểm mới tiêu biểu của chương trình trong giai đoạn này là tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và tích hợp với các chương trình, dự án trước đây như Chương trình 30a, Chương trình 135… Chương trình chuyển mạnh từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển SXKD để từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Nói một cách ngắn gọn: “Nhà nước hỗ trợ cho những gì người dân không làm được và ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện, còn Nhà nước không làm thay”, ông Thi nhấn mạnh.  

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác