Hiệu quả hoạt động ủy thác vốn vay của Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk

20/04/2018
(VBSP News) Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, các hộ dân khó khăn có điều kiện đầu tư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Mô hình phát triển kinh tế hiệu quả (vườn ươm cây giống) từ nguồn vốn vay ủy thác của hội viên nông dân xã Ea Ral, huyện Ea H’leo

Mô hình phát triển kinh tế hiệu quả (vườn ươm cây giống) từ nguồn vốn vay ủy thác của hội viên nông dân xã Ea Ral, huyện Ea H’leo

Từng là một trong những hộ khó khăn của thôn 6, xã Cư Ni, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), năm 2014 gia đình chị Trần Thị Nhài được Hội Nông dân huyện Ea Kar và NHCSXH huyện tạo điều kiện vay vốn 25 triệu đồng. Cùng với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, vợ chồng chị quyết định xây dựng mô hình kinh tế theo hướng kết hợp vườn, ao, chuồng. Theo đó, anh chị đầu tư nuôi 1.000 con gà thương phẩm, thả 6.000 con cá rô phi đơn tính, kết hợp trồng thêm cà phê, tiêu và 7 sào hoa màu. Nhờ áp dụng kiến thức được tập huấn cũng như kinh nghiệm tích lũy, mô hình nuôi trồng của gia đình chị ngày càng hiệu quả, mỗi năm gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng.

Không riêng gia đình chị Nhài, từ năm 2002 - 2016, toàn tỉnh đã có hơn 64 nghìn hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH. Ngoài ra, hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, Hội Nông dân các cấp đã nhận ủy thác nguồn vốn vay của NHCSXH cho hơn 52 nghìn hộ vay, với tổng dư nợ trên 1,3 nghìn tỉ đồng. Các cấp hội đã vận động thành lập và quản lý gần 1.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Để đạt được những kết quả nói trên, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ các cấp, hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; chú trọng kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, ban quản lý tổ và nhân viên tổ; thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật.

Cùng với đó, các cấp hội đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các ngành, tổ chức kinh tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư… tổ chức gần 8.000 lớp tập huấn, trên 4.000 buổi hội thảo, dạy nghề cho hơn 10.000 hội viên, xây dựng trên 200 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả… Qua đó tạo sự lan tỏa, thu hút hộ nghèo tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích.

Thực tế cho thấy việc thực hiện nhận ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác không chỉ là điều kiện để nông dân ổn định cuộc sống, mà còn là dịp để Hội Nông dân tập hợp, đoàn kết nông dân, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, của hội viên trên địa bàn đồng thời có hướng hỗ trợ phù hợp.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, để thực hiện tốt hơn chương trình nhận ủy thác cho vay vốn, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với NHCSXH thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Trong đó, Hội Nông dân chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ, hội viên những quy định, thủ tục cho vay của NHCSXH; những điển hình trong tổ chức thực hiện ủy thác, sử dụng vốn vay; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả… giúp các hộ dân từng bước thoát nghèo, phát triển SXKD.

Bài và ảnh Song Quỳnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác