Hội thảo chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật

13/04/2018
(VBSP News) Ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với NHCSXH và Quỹ NIPPON Nhật Bản tổ chức “Hội thảo chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật”. Hội thảo lần này là cơ hội để các đại biểu, các nhà quản lý, cộng đồng người khuyết tật được chia sẻ về các chính sách, giải pháp tín dụng để phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm.
Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý và ông Yasunobu Ishi, Giám đốc Quỹ NIPPON Nhật Bản cùng đại diện một số cơ quan Trung ương, các cơ quan phát triển quốc tế, các Đai sứ quán, doanh nghiệp, cơ sở tiêu biểu của người khuyết tật trong hoạt động tạo việc làm…

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, Việt Nam là một trong những quốc gia có số người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Họ là những người thiệt thòi, là những nạn nhân của chiến tranh, bẩm sinh, tai nạn giao thông, lao động… Trong đó, 87% sống ở nông thôn, 65% người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động, khoảng 40% người khuyết tật còn khả năng lao động và trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là người khuyết tật và đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề. Chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật đã được xã hội hóa, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của người khuyết tật; cùng với đó chính sách lao động là người khuyết tật vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn khác… 

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý phát biểu tại Hội thảo

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý khẳng định: “Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cũng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có người khuyết tật, NHCSXH đã tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, góp phần hỗ trợ người khuyết tật và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật trên hành trình giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới”.

Đáng chú ý, NHCSXH đã cho các đối tượng này vay vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và thông qua dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ nhằm mục đích để người khuyết tật có thể khởi nghiệp và mở rộng công việc sản xuất, kinh doanh nhằm tạo thu nhập bền vững và có sự độc lập về kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đến nay, dư nợ cho vay đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật là 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng còn dư nợ.Trong đó, dư nợ cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với người lao động là người khuyết tật, các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật là 113 tỷ đồng, với 5.794 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay từ dự án Nippon đối với người khuyết tật, doanh nghiệp  sử dụng lao động là người khuyết tật là 4,5 tỷ đồng, với 24 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,37% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng, việc trợ giúp cho người khuyết tật quan trọng là tạo cơ hội phát triển, được học văn hóa, học nghề, từ đó có việc làm thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, người khuyết tật còn cần sự hỗ trợ nguồn vốn để tham gia sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho người khuyết tật còn rất hạn chế. Mặc dù NHCSXH đã tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Để người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, các đại biểu tại Hội thảo đề nghị các cấp Bộ, ban ngành tham mưu Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước; đồng thời quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Hàng năm, tăng cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm; xem xét, bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi với người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật. Đồng thời, đề nghị các nhà tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ nguồn vốn thông NHCSXH để cho vay tạo việc làm cho người khuyết tật và doanh nghiệp nghiệp do người khuyết tật làm chủ.

Ngoài hoạt động Hội thảo, còn có hoạt động giới thiệu và trưng bày, các sản phẩm, dịch vụ của người khuyết tật. Người khuyết tật tham gia các hoạt động: giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các thông tin giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, các dịch vụ tài chính, ngân hàng…  Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động này:

Giám đốc Công ty cổ phần VBPO (TP Đà Nẵng) Trần Mạnh Huy đang giới thiệu quy mô hoạt động công ty với Đại diện lãnh đạo của Quỹ NIPPON Nhật Bản

Giám đốc Công ty cổ phần VBPO (TP Đà Nẵng) Trần Mạnh Huy đang giới thiệu quy mô hoạt động công ty với Đại diện lãnh đạo của Quỹ NIPPON Nhật Bản

image004

image005

image006

image007

Các sản phẩm thủ công của người khuyết tật được trưng bày, giới thiệu bên lề Hội thảo

Các sản phẩm thủ công của người khuyết tật được trưng bày, giới thiệu bên lề Hội thảo

PV thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác