Điểm tựa cho hội viên CCB tỉnh Bắc Giang

05/04/2018
(VBSP News) Qua 15 năm hoạt động NHCSXH tỉnh Bắc Giang từng bước trưởng thành, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Trong thành công chung đó, có đóng góp của Hội CCB tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác vốn vay ưu đãi.
Vốn vay ưu đãi giúp các CCB tỉnh Bắc Giang đầu tư phát triển kinh tế VAC

Vốn vay ưu đãi giúp các CCB tỉnh Bắc Giang đầu tư phát triển kinh tế VAC

15 năm qua, các cấp Hội CCB tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực cao, thực sự trở thành “cầu nối” vững chắc dẫn nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về tận thôn bản hỗ trợ người dân kịp thời có vốn phát triển SXKD, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đến nay với 341 tổ chức Hội CCB cơ sở ở 10 huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ ủy thác, Hội CCB tỉnh Bắc Giang đang có dư nợ trên 365 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,2% tổng dư nợ ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn với mạng lưới hơn 403 Tổ tiết kiệm và vay vốn, vốn vay ưu đãi đã được chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ kịp thời cho hàng ngàn hội viên CCB phát triển sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ CCB nghèo từ 12,5% vào thời điểm 2010, xuống 5,9% cuối năm 2017. Nhiều tấm gương CCB về ý chí vượt khó khăn, và phát huy tính năng động trong sử dụng vốn vay ưu đãi và đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, thoát nghèo bền vững, đạt danh hiệu CCB thi đua SXKD giỏi, tiêu biểu như gia đình CCB Nguyễn Văn Luân ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn chuyển đổi từ cây vải thiều sang trồng bưởi da xanh, cam vinh… thu lãi hàng năm trên 400 triệu đồng, mô hình nuôi lợn rừng của thương binh 2/4 Nguyễn Công Kích xã miền núi Vân Trung, huyện Sơn Động đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm…
Cùng với đó, nguồn vốn ưu đãi do Hội CCB nhận ủy thác của NHCSXH đã tạo điều kiện cho các chi hội cơ sở và gia đình hội viên chủ động xây dựng, thực hiện các dự án sản xuất tiểu vùng, đáng kể đến 10 dự án chuyển đổi, thâm canh cây trồng ở các huyện miền núi Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, dự án cải tạo 36ha ao, hồ, nuôi trồng thủy sản của Hội CCB xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, dự án phát triển rau sạch theo công nghệ VietGap của hội viên CCB liên xã huyện Hiệp Hòa.
Hầu hết các gia đình hội viên CCB vay vốn tham gia dự án sản xuất tiểu vùng sau khi kết thúc thời gian thực hiện dự án đều nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững; một số hộ vươn lên làm giàu, trở thành điển hình trong phong trào CCB giúp đỡ nhau làm kinh tế giỏi. Các cấp hội cơ sở cũng thường xuyên triển khai công tác giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, chú trọng đôn đốc, nhắc nhở hội viên thực hiện trả lãi, trả nợ theo đúng quy định của ngân hàng. Nhờ vậy tỷ lệ nợ quá hạn và lãi tồn đọng, ở các cấp hội trên vùng đồi núi Bắc Giang luôn trong tầm kiểm soát, an toàn.
Qua thực tế nhận ủy thác và quản lý nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, Hội CCB tỉnh Bắc Giang đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của đông đảo hội viên và các đối tượng chính sách trong việc sử dụng vốn vay, ứng dụng tiến bộ KHKT vào canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, phấn đấu vượt khó, vươn lên thoát nghèo, nâng cao cuộc sống.
Phát huy kết quả đã đạt được, Hội CCB tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các hội, đoàn thể khác tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ quản lý, sử dụng vốn vay, tăng cường kiểm tra giám sát, chấn chỉnh những hạn chế, vướng mắc trong các khâu vay vốn, trả nợ, trả lãi… lựa chọn những hội viên có năng lực, nhiệt tình để làm cán bộ chuyên trách theo dõi quản lý tín dụng chính sách và tham gia Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.

Bài và ảnh Minh Uyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác