Âm vang vùng núi cao Sơn Động

29/03/2018
(VBSP News) Trên trục Quốc lộ 31 ngay giữa ngã 3 đi các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh là huyện miền núi cao Sơn Động, vốn có số bản làng cùng tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất của tỉnh Bắc Giang được nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững ngay từ đợt đầu tiên nên nhận được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách.
Được vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo, gia đình chị Lương Thị Ngân ở thôn Đá Cối, xã Giáo Liêm đầu tư trồng 2ha rừng keo và cây vải  Ảnh: Trần Việt

Được vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo, gia đình chị Lương Thị Ngân ở thôn Đá Cối, xã Giáo Liêm đầu tư trồng 2ha rừng keo và cây vải
                                                                                                                                                                                 Ảnh: Trần Việt

Theo đánh giá của Bí thư huyện ủy Sơn Động Trần Công Thắng, kênh tín dụng ưu đãi do NHCSXH tổ chức thực hiện đã phủ kín 178 thôn bản, khu phố thuộc 23 xã, thị trấn toàn địa bàn. Những cán bộ tín dụng chính sách được xem như người lính trên mặt trận giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, những người làm tín dụng chính sách ở huyện nghèo 30a Sơn Động thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của ngành, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua việc phân công, phân cấp trách nhiệm trong khâu điều tra, xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện vay vốn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác với vai trò giám sát, quản lý vốn vay, xây dựng hệ thống Điểm giao dịch tại xã và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản. Hiện nay, 4 tổ chức  hội, đoàn thể ở Sơn Động quản lý 351 tỷ đồng với 10.468 hộ vay.

Đến thăm gia đình chị Ngô Thị Bền ở thôn Đồng Cúm, xã Giáo Liêm vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để cải tạo vườn trồng cây ăn quả đặc sản như táo Đài Loan, cam lòng vàng để mỗi năm thu từ 200 đến 300 triệu đồng.

Cùng với đẩy mạnh cho vay ủy thác tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện Sơn Động thực hiện tổ chức giao dịch ở 23 Điểm tại xã và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tại 325 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản, cụm dân cư. Những năm qua, hệ thống Điểm giao dịch xã duy trì hoạt động theo định kỳ, nề nếp, bất kể thời tiết mưa nắng hay ngày nghỉ cuối tuần. Song song đó mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được sắp xếp theo hướng liền canh, liền cư, đảm bảo từng tổ có đủ thành viên tham gia sinh hoạt, đủ vốn ưu đãi hoạt động, có Ban quản lý và Tổ trưởng đủ năng lực, nhiệt tình quản lý tín dụng, kinh tế do vậy đã nêu cao tính chủ động khâu bình xét vay vốn công khai, dân chủ, chủ động hướng dẫn, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn chính sách cũng như không gặp phiền hà trong việc trả nợ, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm.

Ông Ngọc Tiến Lệ - Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Nhiều phương thức quản lý vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH như cho vay tại Điểm giao dịch xã, các hội, đoàn thể nhận dịch vụ ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét công khai dân chủ, bà con dân tộc ở 8 thôn bản được tiếp cận nguồn vốn rất thuận lợi, kịp thời. Hiện xã Long Sơn có 947 hộ đang dư nợ hơn 21 tỷ đồng vốn ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập. Nguồn vốn ưu đãi cũng đã hỗ trợ tích cực xã về đích xây dựng nông thôn mới trước thời hạn 12 tháng.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Sơn Động sẽ bám sát chỉ tiêu kế hoạch được giao, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, ban ngành có liên quan, tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đồng thời nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần đắc lực phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở nơi xa xôi, nghèo khó của tỉnh Bắc Giang.

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác