Cuộc sống mới với hộ nghèo Yên Bái
Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở thôn 4, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, trước đây cuộc sống của gia đình anh Đào Xuân Hướng vô cùng khó khăn, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Mặc dù diện tích đồi rừng nhiều, có sức lao động nhưng không có vốn nên chỉ loanh quanh trồng ngô, sắn, ít chè kinh doanh. Thu nhập không ra tấm ra món nên cuộc sống gia đình anh cứ khó khăn mãi.
Đến tháng 7/2014, gia đình anh được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Trấn Yên để đầu tư trồng 3,5ha quế. Sau gần 4 năm diện tích quế của gia đình anh đã phát triển khá tốt. Đầu năm 2018, anh đã tỉa bớt những cây còi, dày để bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu quế, nhờ đó có chút tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Anh Hướng cho biết: “Chỉ 4 năm nữa là quế cho thu hoạch, lúc đó khai thác trắng sẽ có tiền tỷ là chuyện bình thường. Nếu không có chương trình tín dụng cho hộ nghèo như chúng tôi thì cơ hội để thoát nghèo sẽ rất khó khăn”.
Gia đình ông Hà Văn Lẳn ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cũng vậy. Năm 2009, ông được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Với số tiền được vay ông mua một con trâu làm giống, đôi lợn nái, mua máy xay xát để làm dịch vụ và đào ao thả cá.
Nhờ chăm chỉ làm ăn để sinh lời đồng vốn, chỉ 3 năm sau gia đình ông đã thoát nghèo, đến nay cuộc sống gia đình ông đã khá giả nhất nhì trong thôn. Đây chỉ là hai trong hàng ngàn hộ dân, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, những năm qua, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các địa phương, hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nguồn vốn vay ưu đãi đến với nhân dân.
Hết năm 2017, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 2.531 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 20.000 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để SXKD, phục vụ đời sống sinh hoạt, làm nhà ở… với doanh số cho vay đạt 639 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo được 8.501 hộ, hộ cận nghèo 1.891 hộ. Nguồn vốn cho vay được tập trung vào những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, vùng sâu, vùng xa và những địa phương xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái cho biết, phương thức ủy thác vốn tín dụng được chia đều với hàng chục chương trình tín dụng khác nhau, thông qua các hội, đoàn thể chính trị, nguồn vốn tín dụng được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng giúp hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống.
Để vốn tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, NHCSXH tỉnh cũng đề nghị các huyện tiếp tục đẩy mạnh nguồn vốn đối ứng, tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa cho các đối tượng thụ hưởng, đồng thời NHCSXH tỉnh cũng kiến nghị với UBND tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn vay để phân bổ cho các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể cho các đối tượng được vay nhiều hơn nữa.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.538 Tổ tiết kiệm và vay vốn; riêng tổng dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể là trên 2.500 tỷ đồng, chiếm 99,72% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh. Trong đó Hội Phụ nữ quản lý 902 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 898 tỷ đồng; Hội Nông dân quản lý 713 tổ với dư nợ trên 703 tỷ đồng; Hội CCB quản lý 548 tổ dư nợ 533 tỷ đồng và Đoàn Thanh niên quản lý 365 tổ dư nợ 388 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, tổ chức hội, đoàn thể đã động viên hội viên dành dụm chi tiêu, hăng hái thực hành tiết kiệm để bổ sung thêm nguồn vốn cho vay tại NHCSXH, đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ông Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: “Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, hội viên nông dân nghèo, nhất là những hội viên vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa có điều kiện để phát triển SXKD nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo, có mức sống khá giả. Đây là nhân tố tích cực nhất góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững trong hội viên nông dân”.
Có thể nói, vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. Thực tiễn hoạt động của NHCSXH tỉnh Yên Bái đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh, là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo bền vững.
Thanh Tân
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp
- » Âm vang vùng núi cao Sơn Động
- » NHCSXH tỉnh Nghệ An phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2018
- » Tiếp vốn cho người nghèo
- » Hiệu quả từ vốn vay chính sách ở vùng ven Thừa Thiên - Huế
- » Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Yên Lạc giảm còn 3%
- » Niềm vui chưa trọn
- » NHCSXH miễn phí chuyển tiền hỗ trợ của Quỹ Thiện tâm cho các hoàn cảnh khó khăn
- » “Điểm tựa” của người dân tại thôn Đắk Hòa 1
- » NHCSXH chúc mừng 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh