Niềm vui trên những vùng đất khó

05/04/2018
(VBSP News) Gần 4 năm thực hiện, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thật sự là điểm tựa cho những người nghèo, trở thành động lực cho những địa bàn vùng khó của tỉnh Quảng Ninh phát huy lợi thế, tiềm năng để vươn lên.
Chị Lô Thị Thủy thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Chị Lô Thị Thủy thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Vài năm trước, khi còn là một trong số những hộ nghèo của xã Lục Hồn, chị Lô Thị Thủy chẳng dám mơ đến đàn lợn, đàn gà, đến cánh rừng xanh tốt, mà chỉ mong trời đừng làm mưa to gió lớn để vợ chồng chị và các con sống yên ổn trong ngôi nhà tranh vách đất, kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày.

Nhưng kể từ khi có thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện dành cho hộ nghèo đã nhen nhóm trong vợ chồng chị hy vọng thoát cảnh khó khăn. Mạnh dạn vay 50 triệu đồng đầu tiên từ nguồn vốn của chương trình tín dụng hỗ trợ người dân vùng đặc biệt khó khăn, chị Thủy tập trung vào trồng keo với hy vọng, sau 5 - 7 năm nữa, cánh rừng này sẽ giúp vợ chồng chị đổi đời.

Nhưng ngày thu hoạch keo thì còn xa, mà cuộc sống hàng ngày vẫn phải duy trì; các con của chị phải được đi học như chúng bạn. Nghĩ vậy chị quyết tâm vay thêm tiền Nhà nước để tiếp tục trồng rừng và nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau. Chăm chỉ làm lụng, thu lãi từ những lứa lợn xuất chuồng, từ đồng áng, tiền tích cóp, dành dụm chị lại quay vòng vốn để chăm sóc rừng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi, tăng đàn lợn, đàn gà, xây hầm biogas. Cứ như vậy, ngày qua ngày, giờ đây, cuộc sống của vợ chồng chị Thủy đã bước sang một trang mới, đó là chính thức thoát nghèo. Căn nhà kiên cố, khang trang là một trong những minh chứng rõ nét nhất trong hành trình thoát nghèo của gia đình chị Lô Thị Thủy.

Chị chia sẻ: “Trước đây gia đình nghèo, vất vả lắm, giờ vợ chồng tôi cũng chăm chỉ làm lụng từ số vốn vay của NHCSXH. Xây được nhà rồi, ngày mưa gió cũng yên tâm, chúng tôi rất vui! Bây giờ vợ chồng tôi tập trung làm để trả được nợ, không thể cứ ỉ lại mãi vào Nhà nước được”.

Ông Hoàng Văn Huỳnh - Giám đốc NHCSXH huyện Bình Liêu cho hay, đến nay, thực hiện dư nợ cho vay giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn huyện là hơn 21 tỷ đồng. Hầu hết các hộ có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn vay để cải thiện cuộc sống, tạo việc làm và phát triển kinh tế.

Ông Đàm Văn Cường ở xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ phát triển mô hình trồng trà hoa vàng từ nguồn vay ưu đãi của NHCSXH huyện

Bên cạnh đó, những khoản vay ưu đãi không chỉ là cứu cánh cho người nghèo, mà còn là điểm tựa vững chắc cho những ai mong muốn được làm giàu ngay trên đất quê hương. Nhận thấy giá trị của cây trà hoa vàng trong những năm gần đây, ông Đàm Văn Cường đã mạnh dạn dồn mọi vốn liếng của mình và vay NHCSXH huyện Ba Chẽ để đầu tư trồng hơn 700 cây trà hoa vàng tại vùng đất Thanh Sơn. 

“Thấy hiệu quả kinh tế, tác dụng của cây trà hoa vàng nên tôi cũng muốn trồng lâu rồi. Nhưng người dân như chúng tôi cũng khá khó về vốn, được NHCSXH hỗ trợ cho vay, chính quyền xã hỗ trợ 50% giống, đến nay tôi đã đầu tư hơn 400 triệu đồng cho đồi trà hoa vàng được hai năm nay. Thời gian tới hoa trà vàng mới cho thu hoạch nhưng hiện nay, gia đình chúng tôi cũng đã có nguồn thu ban đầu từ lá trà khá ổn định.Thực sự, tôi thấy vốn vay chính sách là động lực lớn cho gia đình để triển khai mô hình. Tôi sẽ cố gắng làm tốt để đồng tiền vay có hiệu quả nhất,  hy vọng tương lai tốt hơn cho con cái và các cháu về sau”, ông Đàm Văn Cường phấn khởi chia sẻ.

Chị Lô Thị Thủy và ông Đàm Văn Cường nằm trong số 74.842 người dân của tỉnh Quảng Ninh đã may mắn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đổi thay số phận.

Đánh giá về vai trò của Chỉ thị 40 trên địa bàn huyện, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Mai Vũ Tuấn cho hay: Trong những năm qua, từ sự lãnh đạo của Đảng, việc NHCSXH triển khai các hoạt động hỗ trợ, đến nay, tất cả người nghèo tại huyện Bình Liêu đã được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH. Nhiều hộ từ nguồn vốn này đã vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của nguồn vốn tín dụng này, nguồn vốn hỗ trợ có tính nhân văn sâu sắc và góp phần quan trọng trong quá trình giảm nghèo của huyện Bình Liêu, vốn là huyện có nhiều hộ nghèo nhất trên địa bàn tỉnh. Do đó, hằng năm, chúng tôi đều bố trí thêm nguồn vốn, ủy thác qua NHCSXH để có thêm nhiều hộ nữa được vay vốn, phát triển kinh tế”.

Có thể thấy, gần 4 năm thực hiện, Chỉ thị 40 đã tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cũng như khẳng định vai trò trợ lực đối với công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách đã và đang hiện hữu trong mọi vùng miền của Quảng Ninh, giúp nhiều gia đình từ thiếu ăn đến có “của ăn của để”, mang lại niềm vui cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Bài và ảnh Khánh Đan

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác