Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Nhiều tiện ích
Vào ngày giao dịch xã vừa qua, ông Võ Lượm ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (Phú Yên) đem tiền đến trụ sở UBND xã để gửi tiết kiệm. Đơn vị nhận tiền gửi là NHCSXH huyện Tây Hòa. Ông Lượm cho biết: Trước đây, mỗi lần muốn gửi tiết kiệm, tôi phải đi hơn 20 cây số xuống TP Tuy Hòa. Đi đường xa cầm theo nhiều tiền không an toàn nên tôi thường chở theo người nhà. Tính ra, thời gian cả đi lẫn về cộng với thời gian giao dịch cũng mất cả buổi. Nay NHCSXH nhận tiền gửi tiết kiệm ngay tại xã, tháng nào ngân hàng cũng giao dịch vào một ngày cố định, kể cả thứ bảy, chủ nhật nên tôi rút tiền về, gửi NHCSXH cho gần, vừa bảo đảm an toàn, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại.
Tương tự, ông Phạm Thanh Tùng ở thôn Hòa Đa cũng tin tưởng gửi tiền tại Điểm giao dịch xã An Mỹ của NHCSXH huyện Tuy An. Ông Tùng chia sẻ: Trước đây, tôi gửi tiết kiệm ở ngân hàng khác, đi xa hơn, lại thường phải chờ đợi mỗi khi ngân hàng có đông người giao dịch. Nay NHCSXH nhận tiền gửi tại xã, lãi suất lại không khác là bao nên tôi gửi luôn tại đây cho tiện.
Ở cùng thôn Hòa Đa với ông Phạm Thanh Tùng, ông Lê Bảnh cũng gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã An Mỹ. Theo ông Bảnh, cách đây nhiều năm, khi còn thuộc diện hộ nghèo, gia đình ông có vay vốn NHCSXH để nuôi bò. Nhờ chăm chỉ làm ăn, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, kinh tế gia đình dần phát triển. Đến nay, gia đình ông đã đủ xoay xở, không cần vay vốn nữa. “Từng rơi vào cảnh khó khăn nên tôi hiểu người nghèo cần vốn sản xuất như thế nào. Vì vậy, khi NHCSXH có chủ trương nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã, tôi có dư ít tiền là gửi ngay. Mình vừa có lãi, ngân hàng vừa có thêm vốn để cho người nghèo vay. Ý nghĩa là vậy nên tôi không những gửi tiền của gia đình mà còn vận động bà con trong thôn cùng gửi”, ông Bảnh nói.
Góp vốn cho người nghèo vay
Theo NHCSXH tỉnh Phú Yên, từ trước đến nay, ngân hàng nhận tiền gửi tiết kiệm của hộ vay thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã là một dịch vụ mới, mang lại nhiều tiện ích cho người dân vùng nông thôn, nhất là ở khu vực xa ngân hàng, điều kiện đi lại khó khăn.
Từ cuối năm 2016, khi NHCSXH tỉnh Phú Yên triển khai dịch vụ nói trên, tại các buổi giao dịch ở xã, bên cạnh việc thu gốc và lãi định kỳ, cán bộ giao dịch còn có nhiệm vụ tuyên truyền dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân địa phương. “Không chỉ tuyên truyền tại buổi giao dịch, ngân hàng còn treo băng rôn giới thiệu dịch vụ trước cổng tất cả các UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể ở cơ sở, Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền cho người dân biết. Đồng thời khuyến khích đưa chỉ tiêu huy động vốn trở thành một tiêu chí thi đua hằng năm của các hội, đoàn thể cơ sở. Ngoài ra, ngân hàng còn phối hợp với các cơ quan truyền thông, đài truyền thanh cấp huyện, xã thông tin đầy đủ, kịp thời về những tiện ích của dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã đến đông đảo người dân…”, ông Hồ Văn Thục - Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên cho biết.
Cũng theo Giám đốc Hồ Văn Thục, trong khi nguồn vốn ngân sách TW phân bổ và nguồn vốn địa phương ủy thác hàng năm cho NHCSXH có hạn thì việc huy động thêm nguồn vốn tự có trong dân sẽ mang lại lợi ích kép. Một mặt giúp khách hàng, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi duy trì thói quen tích lũy, tiết kiệm, mặt khác giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh Lê Hảo
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vĩnh Phúc với mục tiêu giảm nghèo bền vững
- » Niềm vui trên những vùng đất khó
- » “Ngân hàng lưu động”
- » Giúp người dân thoát nghèo bền vững
- » Gỡ khó cho người nghèo
- » Điểm tựa cho hội viên CCB tỉnh Bắc Giang
- » Tín dụng chính sách đẩy lùi “tín dụng đen” ở nông thôn
- » “Cánh tay nối dài” của NHCSXH
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng trong giảm nghèo
- » Kết nối yêu thương trên quê hương câu hò điệu ví