Tiết kiệm từ món tiền nhỏ

20/04/2018
(VBSP News) Đã trở thành thói quen, cứ đến ngày 15 hằng tháng, sau khi chuẩn bị xong 82 nghìn đồng tiền lãi, chị Nguyễn Duy Linh ở ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP. Cà Mau (Cà Mau) lại gói ghém thêm 200 nghìn đồng để gửi tiết kiệm thông qua Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Bùng Binh 1. Gần 1 năm thực hiện, đến nay, chị Linh đã có số tiền kha khá để phòng bị những lúc khó khăn và không còn nặng gánh khi đến kỳ trả lãi, nợ gốc nữa.
Đến kỳ giao dịch mỗi tháng, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đến nộp lãi và tiền tiết kiệm của các tổ viên cho NHCSXH tại Điểm giao dịch xã

Đến kỳ giao dịch mỗi tháng, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đến nộp lãi và tiền tiết kiệm của các tổ viên cho NHCSXH tại Điểm giao dịch xã

Chị Linh chia sẻ: “Gia đình tôi có một chút tiền để dành, sau khi biết được thông tin NHCSXH có chương trình gửi tiền tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã, tôi đã thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn để gửi tiền. Bản thân tôi cũng như nhiều người dân ở xã rất hài lòng. Bởi vì, dịch vụ này vừa thuận tiện, bảo đảm an toàn, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại cho người dân khi đi gửi tiền tiết kiệm. Ðối với số tiền tiết kiệm này, tôi dự định khi nào đến hạn trả nợ gốc cho ngân hàng thì sẽ rút ra để trả”.

Giảm áp lực đến kỳ trả lãi - gốc

Không chỉ có gia đình chị Linh, trong Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Bùng Binh 1 hiện nay có 51 thành viên thực hiện gửi tiết kiệm hằng tháng, với tổng số tiền huy động đã hơn 200 triệu đồng.

“Để tạo được ý thức tiết kiệm cho người nghèo, trong những lần sinh hoạt, Ban quản lý Tổ tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Mức tiền gửi tiết kiệm hằng tháng cũng được bà con thống nhất cao, với mức gửi hợp lý tùy vào khả năng và khoản vay của từng hộ. Mặc dù số tiền tiết kiệm không nhiều, nhưng thông qua hoạt động này, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã từng bước tạo thói quen thực hành tiết kiệm để tạo nguồn vốn tự có, nhằm giúp các thành viên chủ động hơn trong cuộc sống”, ông Huỳnh Minh Đảm - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, cho biết.

Tương tự, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Hoà, xã Hoà Thành, TP. Cà Mau đã vận động được rất nhiều thành viên tham gia vào hình thức tiết kiệm này. Đến nay, số tiền huy động tiết kiệm tại Tổ đã hơn 100 triệu đồng.

Chị Huỳnh Thị Hằng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Hoà, xã Hoà Thành cho biết: “Khi có chủ trương huy động tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban quản lý các tổ sẽ phổ biến sâu rộng đến tất cả các thành viên. Nhờ tích cực vận động, các thành viên trong tổ đều nhận thấy, chương trình huy động tiết kiệm của NHCSXH rất có ý nghĩa, từ đó tham gia đông đủ. Những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi tháng gửi vài chục nghìn đồng, hộ ít khó khăn hơn gửi trên 100 nghìn đồng. Cũng nhờ thực hành tiết kiệm, vừa rồi, nhiều hộ đến hạn trả nợ gốc đã giảm được nhiều áp lực”.

Tạo ý thức tiết kiệm cho người nghèo

Ông Trần Ngọc Tâm - Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ðối với người nghèo, để tạo thói quen hằng tháng phải gửi một khoản tiết kiệm là vấn đề không hề dễ dàng. Do vậy, ban đầu, ngân hàng phải đẩy mạnh công tác vận động, giúp họ quen dần với ý thức dành dụm và hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình là chỉ có lợi cho bản thân mà thôi. Đối với người dân ở các xã vùng sâu, xa ngân hàng, điều kiện đi lại khó khăn thì hình thức gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã là một phương thức hợp lý, mang lại nhiều tiện ích, nhằm phục vụ tận nơi nhu cầu của người dân. Thông qua hình thức tiết kiệm này, ngân hàng sẽ từng bước tạo cho người dân có ý thức tiết kiệm từ những đồng tiền nhỏ nhất”.

Cũng theo ông Tâm, chương trình huy động gửi tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn được triển khai trên tinh thần tự nguyện, với mục tiêu là giúp người nghèo có ý thức tiết kiệm. Để có được kết quả này, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã triển khai quán triệt tới tất cả cán bộ ngân hàng. Tại các buổi giao dịch ở xã, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thu gốc và lãi định kỳ, cán bộ giao dịch còn có nhiệm vụ tuyên truyền dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân địa phương. Bằng hình thức này, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình gửi tiền tiết kiệm.

“Cùng với việc huy động thêm nguồn vốn tự có trong dân, điều quan trọng hơn là hướng cho khách hàng duy trì thói quen tích luỹ, tiết kiệm và sinh lời từ món tiền nhỏ. Điều này mang lại lợi ích kép cho cả đôi bên. Ngân hàng có thêm nguồn huy động, còn khách hàng có tiền tiết kiệm dự phòng rủi ro”, ông Tâm nhìn nhận.

Với sự nỗ lực đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 2.726 Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập để hỗ trợ thu lãi, tiền gửi tiết kiệm hằng tháng từ những hộ vay. Từ nguồn tiết kiệm này, ngân hàng đã bổ sung vào nguồn vốn cho vay, giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thêm cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, để đầu tư phát triển SXKD, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh Trương Việt Mỹ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác