Tín dụng chính sách thúc đẩy người dân nông thôn sử dụng nguồn nước sạch

15/05/2018
(VBSP News) Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) được NHCSXH tỉnh Nam Định triển khai theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang góp phần bảo vệ môi trường, giúp cho đông đảo người dân vùng nông thôn cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Với 12 triệu đồng vay, chị Trần Thị Xuân ở xóm Uông, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản đã đầu tư xây dựng công trình nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Với 12 triệu đồng vay, chị Trần Thị Xuân ở xóm Uông, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản đã đầu tư xây dựng công trình nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Là tỉnh đồng bằng nên điều kiện tự nhiên khá phong phú, cộng với các cơ chế, chính sách kinh tế của tỉnh đã thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề phát triển; kinh tế hộ gia đình ở các quy mô cá thể, trang trại, gia trại… đang tạo nên sức bật mới cho kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, đi đôi với quá trình phát triển, vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số vùng nông thôn cũng ngày càng nghiêm trọng, một số dòng sông - nguồn nước lâu nay bà con vẫn khai thác cho sản xuất, sinh hoạt nay không thể sử dụng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách và bà con nông dân nghèo. Trước tình hình đó, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều dự án như: Xây dựng chuồng tiêu biôga, xây dựng nhà máy cấp nước sạch tại các xã, thị trấn theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”… Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về môi trường và nước sạch cho nông thôn, vốn đầu tư cho các công trình NS&VSMTNT là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp, các ngành và người dân..

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định cho biết, sau 14 năm thực hiện đã giải ngân cho trên 178 ngàn lượt hộ vay vốn với số tiền gần 1.573 tỷ đồng; xây dựng và cải tạo hơn 174 ngàn công trình nước sạch, 163 ngàn công trình vệ sinh. Đến nay, dư nợ của chương trình đạt hơn 847 tỷ đồng, chiếm 31,1% tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách, với trên 74 ngàn hộ có dư nợ, chiếm trên 10% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhận thức của người dân về việc sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tháng 12/2017, gia đình chị Trần Thị Mai ở xóm 1, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc được vay 12 triệu đồng kết hợp với tiền tích lũy của gia đình, chị đã xây dựng mới công trình nước sạch, vệ sinh phục vụ việc sinh hoạt của gia đình. Chị Mai cho biết, trước đây nhà chị và nhiều hộ khác trong xã chủ yếu dùng nước giếng khơi, nhưng do môi trường bị ô nhiễm bởi nước thải, chất thải sinh hoạt, chăn nuôi xả thải bừa bãi, nên chất lượng nước giếng cũng bị ảnh hưởng nhiều. Hơn 2 tháng nay, mọi người trong gia đình chị đã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, mọi sinh hoạt tiện lợi hơn, môi trường sạch sẽ, sức khỏe được cải thiện đáng kể. Không riêng gia đình chị Mai, mà theo số liệu thống kê của UBND xã, tỷ lệ hộ dân trong xã được sử dụng nước sạch đã lên tới 90%…

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi để đưa nước sạch đến với các hộ dân, trong những năm qua, huyện Hải Hậu triển khai hiệu quả chương trình cho vay này. Đến nay, dư nợ đạt 118 tỷ đồng với gần 10 ngàn hộ vay. Trong 3 tháng đầu năm 2018 đã giải ngân cho 2.474 khách hàng với số tiền vay là 30 tỷ đồng, làm được 2.474 công trình nước sạch và 2.474 công trình vệ sinh mới. Chia sẻ về hiệu quả của chương trình, chị Nguyễn Thị Mỳ ở xóm Lê Lợi, xã Hải Lý cho biết: Cách đây 3 năm, gia đình vẫn dùng nước giếng khơi trong sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù biết nguồn nước giếng khơi ngày càng bị ô nhiễm nhưng do kinh tế còn khó khăn nên chị chưa thể xây dựng công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Năm 2016, chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Lê Lợi bình xét và được NHCSXH huyện cho vay 12 triệu đồng, cùng với khoản tiền tiết kiệm, gia đình chị đã xây được hệ thống công trình cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh hợp lý. Nhờ đó, điều kiện sinh hoạt được cải thiện rõ rệt.

Có thể nói, NS&VSMTNT là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Do vậy, chương trình cho vay NS&VSMTNT của NHCSXH tỉnh Nam Định luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và sự đón nhận nhiệt tình của đông đảo người dân.

Bài và ảnh Phạm Văn Đại

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác