Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi

15/05/2018
(VBSP News) Những năm qua, các địa phương của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã thể hiện rõ vai trò trong điều hành nguồn vốn vay thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân các DTTS.
Vay được vón ưu đãi, niều hộ dân tộc Giáy ở Lai Châu đầu tư nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế cao Ảnh: Tư liệu

Vay được vón ưu đãi, niều hộ dân tộc Giáy ở Lai Châu đầu tư nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế cao
                                                                                                                                                                                       Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc trò chuyện với anh Lý A Phùa ở bản Ka Sin Chải, xã Tả Ngảo, chúng tôi được biết, trước đây gia đình anh có cuộc sống rất khó khăn. Sản xuất không đủ ăn, thường xuyên phải nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước thời điểm giáp hạt. Cả gia đình sống trong ngôi nhà tạm bợ, các con thiếu ăn, thiếu quần áo mặc. Thông qua các buổi tuyên truyền, vận động của xã, bản, tổ chức hội, đoàn thể, anh mạnh dạn vay 8 triệu đồng từ NHCSXH huyện anh mua 3 con dê và nuôi gà, vịt với mong muốn thoát nghèo. Việc chăn nuôi thuận lợi, nợ ngân hàng cũng đã trả đủ nên anh Phùa tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng mua trâu, bò sinh sản. Đến nay, gia đình anh có 2 con trâu, 8 con dê và trên 50 con gia cầm. Anh Phùa tâm sự: “Hiện nay, dù chưa hết khó khăn nhưng cuộc sống ấm no hơn, con cái có điều kiện đến trường học tập. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, không chỉ gia đình tôi mà phần đông bà con trong bản có cuộc sống khấm khá hơn, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm dần. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và NHCSXH hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp đồng bào vùng cao vươn lên”.

Được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện, gia đình chị Lò Thị Lả ở bản Can Hồ, xã Lùng Thàng đầu tư phát triển chăn nuôi, mua phương tiện vận tải hàng hóa. Tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, chăm chỉ lao động, gia đình chị đã trả hết nợ và có nguồn thu nhập ổn định vài chục triệu đồng/năm.

Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh với 22 xã, thị trấn khó khăn, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,97% và gần 11% hộ cận nghèo. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, việc làm và thu nhập hạn hẹp. Ông Đồng Văn Liệt - Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: “Những năm qua, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, NHCSXH huyện đã triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với đồng bào DTTS, người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội ở vùng DTTS, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương giúp đồng bào ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Để các chính sách tín dụng đạt hiệu quả, huyện chỉ đạo thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu chính quyền cơ sở trong điều hành nguồn vốn cho vay và triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đây không chỉ là giải pháp mà còn là nguyên nhân thành công trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS”.

Việc bổ sung Chủ tịch UBND xã, thị trấn tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện theo Công văn 1243/VPCP-KTTH ngày 02/3/2015 của Văn phòng Chính phủ và hướng dẫn 819/NHCS-TDNN ngày 09/4/2015 của Tổng Giám đốc NHCSXH là giải pháp của huyện Sìn Hồ trong thực hiện thành công tín dụng chính sách xã hội. Đảm bảo đáp ứng kịp thời về vốn vay cho nhân dân, các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai sát thực với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn này được xác định là yếu tố quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế tại địa phương.

Hiện nay, tổng dư nợ trong toàn huyện đạt 300 tỷ đồng với 8.733 khách hàng. Trong đó, dư nợ cho vay hộ DTTS 270 tỷ đồng, với 8.194 hộ còn dư nợ.

Có thể khẳng định vai trò, sự sát sao, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS, từ đó xóa bỏ tập quán sản xuất còn lạc hậu, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Phạm Oanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác