Yên vui nơi miền biên viễn Tây Bắc
Trong thời gian qua, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã tăng cường đầu tư tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho chương trình giảm nghèo bền vững, trực tiếp tham gia thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đáng kể khai thác tiềm năng lợi thế miền núi cao biên giới.
Đánh giá về tín dụng chính sách trong suốt 15 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã khẳng định: Với 18 chương trình tín dụng ưu đãi cho từng loại đối tượng vay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh Điện Biên ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt trên 9%, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay đã được nhân rộng. Tỷ lệ đói nghèo giảm bình quân từ 4 - 5%, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 334 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; trên 115 ngàn lượt lao động được tạo thêm việc làm mới; trên 21 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, xây dựng được gần 16 ngàn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 13 ngàn căn nhà ở vững chãi trên vành đai biên giới, trong bản làng xa xôi cho hộ nghèo theo Quyết định số 167 và 33 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả đó phản ánh tinh thần nỗ lực cao của NHCSXH tỉnh Điện Biên đã luôn bám sát mục tiêu, tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù. Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội vừa nhận ủy thác một số nội dung công việc cho vay đã tạo điều kiện cho việc công khai, dân chủ hóa kênh tín dụng chính sách trong cộng đồng dân cư.
Cùng với đó, những cán bộ tín dụng chính sách trên vùng cao biên giới Điện Biên đã không quản ngại khó khăn về địa bàn với nhiều đèo cao, suối sâu, bền bỉ đưa nguồn vốn quý của Nhà nước đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách đúng hẹn, đúng kỳ. Hiện nay, hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo bên cánh đồng Mường Thanh, đến típ tắp ở huyện vùng cao Mường Nhé, Nậm Pồ có đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng tới nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Trong chuyến công tác ngược lên Tây Bắc, chúng tôi đã chứng kiến hoạt động của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã Nà Khoa thuộc huyện Nậm Pồ - cách thành phố Điện Biên chừng 180km. Giữa hội trường rộng rãi của UBND xã, các cán bộ Tổ giao dịch xã chuẩn bị chu đáo trang thiết bị cho buổi giao dịch, các chính sách, chủ trương mới về tín dụng chính sách cũng như các khoản vay, số tiền dư nợ của khách hàng cũng được thông tin, thông báo công khai để bà con cùng biết, cùng làm, cùng kiểm tra giám sát. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nà Khoa 1, Kà Thị Mừng cho biết: “Nhờ có Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại xã, đồng bào dân tộc đã được vay vốn ưu đãi một cách nhanh chóng và thuận tiện. Hiện nay Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản có 53 thành viên tham gia sinh hoạt, với dư nợ 1,9 tỷ đồng, nguồn vốn vay này được các tổ viên đầu tư trồng ngô lai, chè sạch, nuôi trâu, bò sinh sản. Nhờ vậy mà nhiều hộ thoát nghèo, xây được nhà mới, mua cả xe ô tô bán tải”.
Tiêu biểu là gia đình bà Kà Thị Thêm, vốn là chủ hộ nghèo khó của bản Nà Khoa 1 nhưng từ khi sử dụng vốn ưu đãi đầu tư nuôi trâu sinh sản dần dà qua năm tháng, do chăm sóc chu đáo, trâu mẹ đẻ ra nghé con, đàn lợn lớn nhanh giúp gia đình bà đỡ khốn khó, có thu nhập. Giữa năm 2015 bà thoát nghèo, trả hết nợ cũ cho ngân hàng. Đầu năm 2018, gia đình bà Thêm được vay tiếp vốn chính sách thông qua chương trình hộ mới thoát nghèo. Nhận 50 triệu đồng từ tay cán bộ tín dụng NHCSXH, bà Kà Thị Thêm phấn khởi chia sẻ về kế hoạch sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng thêm lúa thơm, ngô lai từ nguồn vốn vừa được vay để mau chóng thoát nghèo bền vững.
Còn trường hợp gia đình anh Giàng Quán Tề, dân tộc Mông ở bản Huổi Ngan, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ đã chọn cách đi riêng của mình khá độc đáo để trở thành tấm gương thoát nghèo bền vững, làm giàu bằng chính sức lao động và sự “nâng đỡ” của đồng vốn ưu đãi ngay trên rẻo cao Nà Khoa. Với 40 triệu đồng vay từ chương trình tín dụng hộ nghèo, anh Tề quyết định mở lối vào khe núi, lập chuồng trại nuôi dê hàng hóa. Không giống cách chăn thả tự nhiên, truyền thống của đồng bào là thả rông gia súc ngoài nương rẫy, anh Tề bàn với vợ là chị Thào Thị Vân dành một phần tiền vay được mua vật liệu làm chuồng trại kiên cố, thoáng đãng rồi mới thả dê vào nuôi. Nhờ “mát tay” và chủ động thực hiện phòng bệnh, chăm sóc tốt, đàn dê béo khỏe phát triển đến 300 con, giúp cho gia đình anh lời lãi nhanh, trả hết nợ vay ngân hàng, cất được 3 gian nhà sạch sẽ, kiên cố. “Qua Tết âm lịch mươi ngày, gia đình mình được chính quyền với ngân hàng “ưu tiên” cho vay tiếp 50 triệu vốn chương trình SXKD vùng khó khăn để mở rộng cơ sở chăn nuôi và thực hiện chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, quyết tâm “phất” lên đóng góp nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm cho xã hội”, anh Giàng Quán Tề phấn khởi nói.
Để đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân thuận lợi và phát huy được hiệu quả, NHCSXH tỉnh Điện Biên tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động để phấn đấu thành công mục tiêu đến năm 2020 và các năm tiếp theo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách và các đối tượng chính sách khác thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; lồng ghép với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên vùng biên viễn phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Xuân Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách thúc đẩy người dân nông thôn sử dụng nguồn nước sạch
- » Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi
- » Nhịp cầu đưa vốn đến vùng sông nước phương Nam
- » Cấp ủy vào cuộc, người dân hưởng lợi
- » Xã Sơn Thành xóa nghèo hiệu quả
- » Đánh thức huyện nghèo
- » NHCSXH tổ chức Khóa đào tạo tiểu giáo viên trong khuôn khổ Dự án Mobile Banking giai đoạn 2
- » “Đòn bẩy” thoát nghèo của đồng bào Khmer
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay NHCSXH
- » Huyện Mai Châu phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi