Thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi

25/05/2018
(VBSP News) Trong thời gian qua, cùng với các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng từ các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đối với vùng DTTS đang đóng vai trò quan trọng để thực hiện chính sách giảm nghèo một cách thiết thực và hiệu quả. Nhiều hộ gia đình đã dùng vốn vay để đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp họ từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Ông A Măn (phải) chăm sóc vườn cà phê của gia đình

Ông A Măn (phải) chăm sóc vườn cà phê của gia đình

Năm 2015, ông A Măn ở làng Đăk Kan, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô (Kon Tum) được vay 30 triệu đồng chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS nghèo. Cùng với số tiền tiết kiệm được từ trồng bắp, mì hằng năm, gia đình ông đầu tư trồng 2ha cà phê. Hiện tại, sau khi thanh toán tiền vốn vay ban đầu, gia đình ông tiếp tục được vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của ngân sách huyện để mua 2 cặp bò giống lai phát triển để thoát nghèo bền vững.

Ông A Măn nói: “Trước kia gia đình chúng tôi rất khó khăn, không có vốn để trồng cà phê. Sau này được vay vốn NHCSXH huyện Đăk Tô trồng cà phê nên cuộc sống của gia đình tôi đỡ vất vả hơn. Hiện tại gia đình tôi đã trồng được cà phê, nuôi bò để lấy phân chăm bón cà phê. Gia đình tôi bây giờ mong muốn được vay thêm vốn NHCSXH để đầu tư trồng thêm 7 sào cà phê nữa, để cuộc sống gia đình ngày càng khá hơn”.

Có kinh nghiệm gần 15 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Đăk Kan, giờ đây, ông A Dam đang quản lý 56 hộ với dư nợ hơn 2,5 tỷ đồng. Ông cho biết trước kia bà con vẫn luôn cố gắng tìm cách để làm ăn sản xuất nhưng không mang lại hiệu quả. Từ khi có chính sách tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện, nhiều bà con đã tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế, có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo tại thôn làng khó khăn này.

Ông A Dam cho biết: “Từ khi NHCSXH huyện Đăk Tô cho bà con vay tiền thì mới đầu tư trồng cao su, cà phê và mua phân bón chăm sóc. Nhiều hộ bây giờ đã có thu, trả lại tiền vay của Nhà nước. Lúc trước được cho vay là 30 triệu đồng, trả xong rồi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng, có đủ vốn để tiếp tục trồng và chăm sóc cây cà phê, cao su cho kết quả hơn. Trong Tổ tiết kiệm và vay vốn hiện tôi đang quản lý có 56 hộ, trước kia có 50% là hộ nghèo. Cho đến nay các hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 10 hộ thôi”.

Năm 2017, bà Y Thinh ở làng Kon Đào 1, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô được vay 50 triệu đồng theo diện hộ cận nghèo. Số tiền đó được bà đầu tư mua một cặp bò và phân bón để chăm sóc vườn cà phê. Nhờ đó, gia đình bà có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

“Trước kia gia đình rất khó khăn, vất vả, được NHCSXH cho gia đình vay để mua bò mua trâu nuôi. Cố gắng nuôi để sau này trâu bò sinh đẻ thu lợi để trả nợ cho Nhà nước, có lợi cho gia đình, cuộc sống sau này không còn khó khăn vất vả”, bà Y Thinh cho biết.

Bằng cách thức, thủ tục vay vốn đơn giản và mạng lưới hoạt động của chính sách tín dụng ưu đãi được phủ đến từng thôn làng, thông qua 144 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 9 Điểm giao dịch xã, thị trấn, kết hợp với hướng dẫn sử dụng vốn vay phù hợp với khả năng và điều kiện của hộ vay, đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ NHCSXH huyện Đăk Tô là 234 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc NHCSXH huyện Đăk Tô cho biết: “Trước đây, bà con chủ yếu vay vốn để chăm sóc cây công nghiệp, đầu tư vốn vay chưa hiệu quả lắm. Nhưng sau này chính quyền địa phương, các cấp ngành vào cuộc thì hiệu quả đầu tư của bà con được nâng lên. Từ việc chăm sóc các loại cây công nghiệp, chăn nuôi bò sinh sản đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho bà con, mức sống của bà con nâng lên”.

Từ chương trình vốn tín dụng ưu đãi đối với vùng DTTS đã giúp bà con ý thức trong việc quản lý vốn để đầu tư sản xuất hợp lý, hiệu quả. Qua đó làm thay đổi cuộc sống của người dân, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Ông Ngô Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô chia sẻ: “Một trong những nguyên nhân nghèo, đó là vấn đề thiếu vốn trong sản xuất. Đảng và Nhà nước ta có chính sách cho hộ nghèo vay, đó là một chính sách nhân văn. Với chủ trương này trong thời gian qua, địa phương đã sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH hợp lý và đúng đối tượng. Nhờ đó mà trong nhiều năm qua, hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3 - 5%, đó là một kết quả tương đối lớn”.

Bài và ảnh Dương Nương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác