Thanh Sơn thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

25/05/2018
(VBSP News) Được vay vốn của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi, trồng rừng kết hợp trồng cây ăn quả, hộ bà Nguyễn Thị Viên ở khu 5, xã Tất Thắng đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với mức thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm.
Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ nông dân ở huyện Thanh Sơn đã vươn lên thoát nghèo

Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ nông dân ở huyện Thanh Sơn đã vươn lên thoát nghèo

Là huyện miền núi có số dân trên 12 nghìn người, trong đó hơn 60% là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên thời gian qua huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã xác định ưu tiên huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Để thực hiện mục tiêu mỗi năm giảm từ 2% hộ nghèo trở lên, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn các xã, thị trấn làm tốt công tác rà soát phân loại hộ nghèo, lập sổ hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng kế hoạch giảm nghèo của từng năm và cả giai đoạn. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng xã, đồng thời triển khai thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Đề án phát triển sản xuất lương thực, phát triển đàn bò thịt bò lai chất lượng cao, phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển cây chè, trồng cây có múi… Trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, đưa những cây, con giống mới năng suất chất lượng cao vào nuôi trồng, huyện đã khá thành công trong giải quyết việc làm tại chỗ tăng mức thu nhập bình quân cho đồng bào các dân tộc trong huyện.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, Thanh Sơn đã huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ sản xuất phát triển như nâng cấp đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; khuyến khích phát triển các ngành nghề, dịch vụ; hỗ trợ máy nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS… Những năm qua tổng nguồn vốn hỗ trợ các chương trình phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện ước đạt gần 84 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Không chỉ hỗ trợ về công cụ, tư liệu sản xuất, hoạt động cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Thanh Sơn cũng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Nhận nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH các tổ chức đoàn thể luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất; gắn việc vay vốn tín dụng với việc hướng dẫn cách thức sản xuất, các chương trình khuyến nông, khuyến công và chuyển giao KHKT. Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã có trên 40 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Đa số các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả vốn vay. Ngoài ra Thanh Sơn còn tập trung đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo. Trong 5 năm qua toàn huyện có trên 2.400 lao động được học các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; tỷ lệ học viên có việc làm, thu nhập ổn định sau học nghề đạt trên 90%, trong số đó có không ít học viên tự chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động, nhạy bén trong vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo, có đời sống kinh tế khá.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân đã giúp người dân biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng… 100% hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở bằng nguồn Quỹ Vì người nghèo và các nguồn khác; các công trình hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư xây dựng… bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Huyền - Phó trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Thanh Sơn cho biết: So với nhiều địa phương trong tỉnh công tác giảm nghèo của Thanh Sơn thực sự khó khăn do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động khiến tỷ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo, hộ phát sinh nghèo còn cao. Tuy nhiên bằng sự quyết tâm và quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, các đoàn thể xã hội và nhân dân đến nay tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện đã giảm từ 18,33% (năm 2015) xuống còn 13,42%, bình quân mỗi năm giảm được trên 2%, góp phần đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Thanh Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo bền vững, giảm số hộ tái nghèo, phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện xuống dưới 10%.

 

Bài và ảnh Mai Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác