Chương trình giải quyết việc làm tác động tích cực đến hộ SXKD tại TP Đà Lạt
Hộ vay vui mừng đón nhận nguồn vốn hỗ trợ việc làm
Bà Hoàng Thị Anh ở Lữ Gia, phường 9 có 1,2 sào đất liền khoảnh, trồng 80 ngàn cây hoa cúc chia làm 2 lứa, gối đầu 3 tháng/vụ. Bên này là vạt hoa cúc đang cho thu hoạch, bên kia là vạt hoa cúc xanh um chưa cho nụ. Nhận được vốn vay ngân hàng, bà Anh cho lợp lại mái nhà lồng. Bà nói, gia đình dự định thu nốt đợt cúc này mới lợp, nhưng mấy cơn mưa đầu mùa dữ quá, phải cho lợp trước khi thu hoạch cúc. Nên nếu được vay theo nhu cầu, bà Anh cần tới 200 triệu đồng để làm lại toàn bộ giàn đã hư hỏng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ cũng ở Lữ Gia, đang trồng rau trên 3,5 sào đất thuê và 1,2 sào đất của gia đình. Bà cũng được vay vốn TDCS, dự định để lợp lại khu nhà lồng 1,2 sào ở gần suối hay bị lụt. Nhà bà Mỹ đang trồng lơ, cứ mỗi 3 tháng thu được 3 ngàn đồng/gốc. Cả gia đình bà Anh và bà Mỹ đều chỉ có hai vợ chồng làm vườn hằng ngày, những lúc xuống giống mới mượn thêm người. Doanh thu khoảng 60 - 100 triệu đồng/vụ, nhưng cần có sức đầu tư lớn. Khoản thu nhập, ngoài trang trải cuộc sống và tái đầu tư thì cũng không còn nhiều để tích lũy. Vì vậy, nguồn vốn TDCS tuy không nhiều, nhưng có sự hỗ trợ kịp thời để chỉnh trang vườn tược là rất quý, bà Mỹ cho biết.
Góp thêm vốn đầu tư SXKD
Phường 9, TP Đà Lạt, địa bàn có 9% là hộ sản xuất nông nghiệp và gần 91% là hộ kinh doanh dịch vụ. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm ở địa bàn Phường 9 đến nay đạt trên 1 tỷ đồng/37 món vay, tạo thêm việc làm cho 10 lao động.
Khoản vay 50 triệu đồng cho một dự án sản xuất của NHCSXH, thực chất, chỉ góp thêm cho mục đích đầu tư của hộ SXKD. Vì trên thực tế, mỗi mức đầu tư ban đầu của các dự án là rất cao, chỉ tính riêng chi phí cho 1 sào nhà lồng cần đến 300 triệu đồng. Vì vậy, đến thơi điểm này, nguồn vốn giải quyết việc làm từ TW tăng so với cùng kỳ hơn 4 tỷ đồng và đã triển khai đến hơn 95% kế hoạch năm 2018; ngân sách từ tỉnh, thành phố giao 4,6 tỷ đồng cũng đã giải ngân trên 3 tỷ đồng; đã có 526 dự án được vay vốn giải quyết việc làm, đồng nghĩa với việc có ít nhất 526 lao động có việc làm từ chương trình này.
Nhưng, ghi nhận chung của các hộ vay, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đều mong muốn có thêm nhiều hộ được vay vốn và hạn mức cho vay cao hơn… Tuy nhiên, vốn TDCS từ các cấp chuyển về có hạn. Để có nhiều hơn nguồn vốn vay, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San yêu cầu Chủ tịch UBND xã, phường, trong thực hiện chi tiêu kế hoạch tín dụng chính sách năm 2018, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp gửi tiền tiết kiệm vào NHCSXH - có mức lãi suất ngang bằng với các Ngân hàng thương mại, nhưng được Nhà nước bảo đảm nên an toàn tuyệt đối để tăng nguồn vốn cho các hộ vay.
Bài và ảnh Lê Hoa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thanh Sơn thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
- » Đồng bào DTTS tại tỉnh Quảng Nam có cơ hội phát triển kinh tế
- » 3 chàng trai đa tài vào chốn “thâm sơn” khởi nghiệp làm giàu
- » Điểm tựa giúp dân thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Vốn tín dụng ưu đãi ở huyện nông thôn mới Yên Định
- » Cầu nối thoát nghèo
- » Vai trò nguồn vốn ưu đãi giảm nghèo ở Phù Ninh
- » Tạo thêm nguồn vốn vay cho hộ nghèo
- » Những dấu ấn hoạt động khoa học và công nghệ năm 2017 của NHCSXH