Chất lượng tín dụng tăng, thêm nhiều hộ nghèo hưởng lợi
Chuyển biến từ nhận thức cán bộ, người dân
Trà Vinh là một trong những tỉnh khó khăn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm tới 31,62% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer năm 2011 chiếm tới 59,11% tổng số hộ nghèo của tỉnh.
Trước khi thực hiện đề án, nhiều chỉ số tín dụng chính sách trên địa bàn Trà Vinh ở mức báo động. Nợ quá hạn hơn 51 tỷ đồng, chiếm 3,87% tổng dư nợ, lãi tồn đọng không thu được tới 18 tỷ đồng…
Ông Lê Hoàng Phi - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Trà Vinh cho biết, NHCSXH tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để tạo chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân, trong đó trước hết là đội ngũ chủ chốt của các Tổ tiết kiệm và vay vốn và người thụ hưởng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chị Thạch Thị Thùy Linh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1, ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang chia sẻ: “Bà con đã hiểu rằng đây là đồng vốn Nhà nước dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, lãi suất ưu đãi nhưng có vay có trả… Trước kia vốn cứ giải ngân, còn bà con thì lúng túng với việc sử dụng vốn đó làm gì. Còn hiện nay, bà con vay vốn đều phải có phương án sử dụng vốn hiệu quả, do hộ đề xuất hoặc qua tư vấn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…”.
Việc tuyên truyền về vốn tín dụng chính sách trước hết tập trung vào cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở. Chị Thạch Thị Chính - đảng viên, người dàn tộc Khmer, ở ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang kể về gia cảnh khó khăn bởi không có đất canh tác, các con còn nhỏ, cha mới mất, mẹ thì già yếu. “Mình mạnh dạn vay 30 triệu đồng mua cặp bò sinh sản, giờ có thêm 2 con bê. Bên tổ chức Đảng cũng cho mượn 13 triệu đồng, mình mạnh dạn mướn 2 công đất đầu tư nuôi tôm. Vụ rồi trúng, lời được vài chục triệu đồng”, chị Chính cho hay.
Sát sao xử lý nợ quá hạn
Châu Thành là một trong những huyện, thành phố thực hiện hiệu quả đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của tỉnh Trà Vinh. Ông Thạch Chiên - Phó Chủ UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Châu Thành cho biết: “Huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, phân công các thành viên chủ chốt phụ trách chương trình, từng địa phương. Ở dưới xã cũng phải xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Hằng tháng, hằng quý đều phải rà soát tiến độ, báo cáo kết quả…”.
Đối với những món nợ quá hạn, tỉnh đã thành lập các tổ xử lý. Ông Thạch Chiên chia sẻ: “Có rà soát, phân loại, xác định được hoàn cảnh đối tượng nợ quá hạn thì mới nắm được thực trạng của việc sử dụng vốn chính sách để từ đó lên phương án xử lý. Các xã đều giao cho mỗi hội, đoàn thế theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nợ quá hạn có phương án trả nợ thuận lợi nhất”.
Một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở tỉnh Trà Vinh là tuyên truyền để người dân có ý thức tiết kiệm, từ đó dễ dàng trả nợ gốc khi tới hạn.
Bài và ảnh Đông Hoàng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chất lượng tín dụng ngày càng đi vào chiều sâu
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi
- » Chương trình giải quyết việc làm tác động tích cực đến hộ SXKD tại TP Đà Lạt
- » Thanh Sơn thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
- » Đồng bào DTTS tại tỉnh Quảng Nam có cơ hội phát triển kinh tế
- » 3 chàng trai đa tài vào chốn “thâm sơn” khởi nghiệp làm giàu
- » Điểm tựa giúp dân thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Vốn tín dụng ưu đãi ở huyện nông thôn mới Yên Định
- » Cầu nối thoát nghèo