Góp phần cải thiện cuộc sống người dân

29/05/2018
(VBSP News) Từ năm 2007 đến nay, NHCSXH huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS, giúp người dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hộ đồng bào DTTS ở huyện Sông Hinh vay vốn ưu đãi xây dựng công trình cung cấp nước sạch

Hộ đồng bào DTTS ở huyện Sông Hinh vay vốn ưu đãi xây dựng công trình cung cấp nước sạch

Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống

Huyện Sông Hinh có gần 13 nghìn hộ với trên 55 nghìn người; trong đó, đồng bào DTTS có hơn 5 nghìn hộ với trên 20 nghìn người thuộc các dân tộc Ê Đê, Chăm, Tày, Dao, Nùng, Thái… Với mục tiêu góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của hộ đồng bào DTTS theo hướng ổn định và bền vững, những năm qua, UBND huyện Sông Hinh thường xuyên theo dõi, chỉ đạo NHCSXH huyện Sông Hinh và các đơn vị liên quan phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Đến nay, dư nợ của NHCSXH huyện Sông Hinh đạt trên 309 tỷ đồng, với trên 8 nghìn người vay; trong đó có trên 3.380 khách hàng là hộ đồng bào DTTS, dư nợ gần 105 tỷ đồng. Riêng dư nợ hai chương trình tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS đạt gần 6 tỷ đồng, với 623 hộ còn dư nợ. Cụ thể, chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 có dư nợ gần 3 tỷ đồng với 442 hộ vay. Chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn có dư nợ gần 3 tỷ đồng với 181 hộ vay.

Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với hộ đồng bào DTTS, bởi đây là những đối tượng yếu thế trong xã hội, khó có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ở các Ngân hàng thương mại. Sau khi vay vốn, người dân chủ yếu đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi bò, trồng sắn, mía, cao su, cà phê, tiêu…; xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường; trang trải chi phí học tập cho con em mình… Từ đó, hộ đồng bào DTTS từng bước cải thiện đời sống, chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn, nâng dần vị thế trong xã hội.

Gắn kết nguồn vốn với các mô hình hiệu quả

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện còn có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo để triển khai theo kế hoạch được duyệt. Hộ đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống tại nơi có địa hình phức tạp, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, phân bố phân tán nên khó tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung chuyên canh để tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn.

Sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ nên lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ. Hiệu quả phối hợp giữa nguồn vốn vay với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… chưa cao, chưa được quan tâm thường xuyên. Hộ vay vốn chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đất đai để chăn nuôi gia súc nên hiệu quả vốn tín dụng còn thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một bộ phận hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay chưa hiệu quả hoặc có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chịu khó làm ăn và trả nợ nên nguồn vốn chưa phát huy hiệu quả, chất lượng tín dụng thấp, đời sống người dân chưa được cải thiện rõ rệt. Một số hộ đồng bào DTTS vay vốn đi xuất khẩu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật còn thấp, chưa có tác phong công nghiệp, vi phạm hợp đồng lao động, bỏ về nước trước hạn… nên không có nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng và không thể thoát nghèo.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS, thời gian tới huyện Sông Hinh sẽ gắn kết nguồn vốn ưu đãi với các mô hình SXKD hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm… để giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Huyện cũng sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Theo Đinh Ngọc Dạn Báo Phú Yên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác