Huyện nông thôn mới Kim Bảng

04/06/2018
(VBSP News) Sau 7 năm nổ lực phấn đấu huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã có những bước đi vững chắc, đến cuối năm 2017 hoàn thành mục tiêu kép - cả xã và huyện cùng đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 0,74%, thu nhập của người dân đạt mức bình quân 37,6 triệu đồng/người/năm.
image001

Hộ nghèo ở Kim Bảng vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi

 

Theo UBND huyện Kim Bảng, đích đến của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Không thể xây dựng nông thôn mới khi dân nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Bám theo mục tiêu quốc gia, kế hoạch của huyện, mấy năm nay NHCSXH huyện Kim Bảng đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Bà Phạm Thi Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kim Bảng cho biết: Đến nay, NHCSXH huyện có tổng dư nợ gần 280 tỷ đồng, với trên 8 nghìn hộ vay, hoàn thành 99,9% kế hoạch dư nợ. Trong 8 chương trình tín dụng, thì 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm hơn quá nửa tỷ trọng lớn trên tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Trung Nhận ở xóm 5, xã Văn Xá, nhớ lại: Khi hai bên cha mẹ đều nghèo, ngoài mấy sào ruộng cơ bản, vợ chồng “tay không”. Năm 2002, Nhà nước cho phép chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang đất đa canh. Ngày đó, ở quê tôi các hộ thi nhau đào ao nuôi cá, vợ chồng tôi tính chuyện ngược lại, xin đất ở các ao đắp thành nền để chăn nuôi lợn, gà, vịt. 100m2 chuồng đầu tiên được xây dựng. Qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý, tôi được NHCSXH cho vay 32 triệu đồng từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và giải quyết việc làm, vay thêm một ít của bạn bè, người thân tôi mua 5 con lợn nái rồi nhân giống dần. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không quản ngại khó khăn từng bước tôi chuyển đổi sang chăn nuôi lợn nái trang trại, lợn thịt, trồng cây… Đến nay, thu nhập gia đình đạt trên dưới 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. “Có thể nói vốn vay NHCSXH là bước khởi đầu cơ nghiệp để gia đình tôi có được như ngày nay”, ông Nhận khẳng định.

Sau khi rời quân ngũ, sức khỏe yếu nên ông Đặng Đình Đôn ở Tổ dân phố 6, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng không thể làm được những việc nặng nhọc khiến kinh tế gia đình cứ mãi trầy trật. May mắn, năm 2016, ông được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng nấm. Sang năm 2017, ông vay tiếp 50 triệu đồng để mở rộng quy mô trại nấm của mình.

Ông Đôn cho hay: “Những năm gần đây, ở địa phương phát triển rất mạnh hoạt động du lịch. Chính vì vậy, tôi trồng nấm vì phù hợp với sức khỏe cũng như thực trạng đất đai, sản phẩm dễ tiêu thụ”.

Hiện, ông có 1.000m2 trồng nấm với hơn 5.000 bịch, chủ yếu là nấm sò và mộc nhĩ. Mỗi năm, ông thu về 50 - 60 triệu đồng nhờ trồng nấm. Bên cạnh đó, ông còn nuôi 4 lợn nái, 2 lợn mán, 2 bò sinh sản, 70 con ngan, gần 100 con gà… mang lại nguồn thu hơn 50 triệu đồng/năm.

Cũng “khởi nghiệp” từ món vay nhỏ của NHCSXH, ông Phan Duy Hưng, thương binh ¾ ở xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng đã ổn định kinh tế với mô hình VAC. Hiện, mô hình chăn nuôi của ông có 300 gà Ai Cập chuyên đẻ trứng, 200 gà thịt, 300 con ngan, 16 con lợn sề, 18 con lợn thịt. Ngoài ra, gia đình còn có ao cá, với các loại trắm, chép, trôi… Chăn nuôi mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác