Vốn tín dụng ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Nam Đàn

04/06/2018
(VBSP News) Huyện Nam Đàn (Nghệ An) vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hành trình để đạt được chuẩn nông thôn mới của Nam Đàn là sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, nhân dân huyện nhà; sự vào cuộc của tỉnh, các ban, ngành, trong đó có đóng góp không nhỏ của vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Hoạt động của NHCSXH là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.
image001

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình ông Ksor Drang đầu tư chăn nuôi dê, đến nay đã thoát nghèo

“Bà đỡ” cho hộ nghèo, chính sách

Về Nam Đàn những ngày này cảm nhận rõ niềm vui tràn đầy với một diện mạo mới của huyện nông thôn mới. Khắp các con đường được bê tông rộng rãi, nhà cửa khang trang, xóm làng yên vui.

Ghé thăm gia đình ông Đinh Công Minh là 1 trong 4 hộ nghèo của xóm 6B, xã Nam Thanh. Năm 2015, ông được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. Đến nay, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên đàn bò sinh sản phát triển tốt, gia đình có tiền trả nợ ngân hàng, đồng thời có thêm đàn bò để tiếp tục chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Ông Minh chia sẻ: “Vùng đất Nam Thanh đồi núi, khó sản xuất hoa màu do thiếu nguồn nước tưới nên ở đây có phong trào chăn nuôi trâu bò. Tuy nhiên, đối với gia đình khó khăn như chúng tôi nếu không có nguồn vốn ngân hàng, gia đình sẽ không được như ngày hôm nay. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi đã tham gia góp hơn 2 triệu đồng để cùng với bà con trong xóm, trong xã làm giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá”.

Ông Võ Quang Trung - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 6B, xã Nam Thanh cho hay: Hiện nay tổ có 38 thành viên với tổng dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng. Người dân ở đây chủ yếu vay vốn để chăn nuôi, hiện đàn trâu bò của xóm có 155 con. Nhờ phát huy hiệu quả từ vốn vay, nhiều hộ thoát nghèo, có điều kiện để tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Xã Nam Cát là một trong những địa phương được đánh giá có nguồn nội lực nhất, nhì huyện, về đích nông thôn mới trong “top” đầu của huyện Nam Đàn. Ông Đoàn Thành Đồng - Chủ tịch UBND xã cho hay: Người dân Nam Cát có phong trào xuất khẩu lao động rất mạnh nhưng để được như ngày hôm nay, là nhờ nguồn vốn kịp thời, hiệu quả của NHCSXH, đã có thời điểm dư nợ của Nam Cát lớn nhất huyện. Quá trình thực hiện, chính quyền và các hội, đoàn thể trong xã đã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng; các hoạt động khuyến nông, dạy nghề được đẩy mạnh để người vay vốn biết cách sử dụng hiệu quả. Hiện nay, xã có gần 500 người đang lao động tại các nước; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37 triệu đồng/người/năm.

Đồng hành xây dựng nông thôn mới

Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Nam Đàn đạt 309 tỷ đồng. Hiện có gần 11 nghìn hộ còn dư nợ. Nhiều chương trình có đóng góp tích cực giúp hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện, đó là chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xuất khẩu lao động…

Chương trình cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo là chương trình ưu tiên số một của NHCSXH huyện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay của hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn trên địa bàn. Hiện doanh số cho vay 2 chương trình này đạt gần 400 tỷ đồng, với trên 20 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn của NHCSXH đã đến với hộ nghèo giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, được hướng dẫn sử dụng hiệu quả.

Hay như chương trình cho vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện. Đã có hơn 1 nghìn khách hàng đi xuất khẩu tại các nước Malaisya, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả rập, Libi… Đặc biệt từ năm 2013 đã triển khai thực hiện cho vay ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Đây là một kênh huy động nguồn vốn bổ sung vào nguồn vốn cho vay của đơn vị.

Đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã có 7.124 hộ gia đình được vay vốn, giúp tăng số lượng hộ nông thôn được sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh hợp chuẩn. Ông Nguyễn Sỹ Hải - Phó Giám đốc NHCSXH huyện chia sẻ: Trong quá trìnhhoạt động NHCSXH huyện thường xuyên nhận được sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn. Đội ngũ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay vươn dài” của NHCSXH huyện đến với các khối, xóm. Mặc dù huyện nhà còn có nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng thực hiện theo các chỉ thị, kế hoạch của Ban Bí thư và Tỉnh ủy Nghệ An, năm 2016 đã trích từ ngân sách địa phương bổ sung vào nguồn vốn cho vay của NHCSXH là gần 1 tỷ đồng.

“Để tiếp tục góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có cơ cấu lao động hợp lý để xây dựng nông thôn mới có hiệu quả tại địa phương”.

Theo Thu Huyền Báo Nghệ An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác