Đồng bào DTTS huyện Lộc Bình thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi

04/06/2018
(VBSP News) Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của huyện biên giới Lộc Bình (Lạng Sơn) thời gian qua đạt được kết quả khả quan, bình quân mỗi năm giảm trên 5% số hộ nghèo; bản làng khởi sắc, đổi thay từng ngày với những ngôi nhà sàn lợp ngói, những triền đồi, cánh rừng bát ngát màu xanh no ấm của lúa, ngô, thông, keo lai... là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành TW, địa phương và sự đầu tư hỗ trợ của các chương trình dự án, trong đó có nguồn vốn ưu đãi.
image001

Bà con các dân tộc xã Hữu Lân vay vốn ưu đãi mở rộng diện tích và chăm sóc rừng thông

NHCSXH huyện Lộc Bình hiện nay có tổng nguồn vốn đạt 357 tỷ đồng, đã đáp ứng cho trên 45 nghìn lượt hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống. Nguồn vốn ưu đãi đang thực sự góp phần giúp huyện vùng cao biên giới Lộc Bình chuyển biến tích cực về mọi mặt, ngày thêm phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Bình, Nguyễn Thị Mai Sao, cho biết, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, NHCSXH đã tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả 13 chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao và các điểm xây dựng nông thôn mới, các hộ gia đình tham gia đề án thâm canh, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Hầu hết hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có yêu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn chính sách thuận tiện, kịp thời để phát triển kinh tế gia đình.

Từ việc cho vay có trọng tâm, trọng điểm của NHCSXH đã giúp toàn địa bàn, từng bản, làng khai thác tiềm năng lợi thế, nâng cao đời sống nhân dân, cụ thể về xã Hữu Lân đã mở rộng vùng trồng thông lên hơn 8 nghìn héc-ta và là xã có diện tích rừng thông lớn nhất của tỉnh, huyện. Loại thông được trồng chủ yếu ở đây là thông mã vĩ, cho nhựa tốt trong các loại nhựa thông. Ở Hữu Lân, cây thông mã vĩ được trồng phổ biến. Nhiều hộ gia đình sử dụng vốn vay chính sách trồng mới, chăm sóc, bảo vệ tốt từ vài nghìn tới hàng chục nghìn cây thông.

Nhờ thu nhập từ nhựa thông, bán được giá từ 35 nghìn đồng/kg mà hơn 30 hộ gia đình ở thôn Nà Tẩng, xã Hữu Lân đã thoát hẳn nghèo. Ông Nông Văn Điện, một hộ vay vốn chính sách điển hình từ chương trình tín dụng sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn của NHCSXH huyện Lộc Bình cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm, cuộc sống gia đình vất vả, gian nan lắm, nhưng được cấp ủy, chính quyền và NHCSXH huyện cho vay vốn mà gia đình tôi đã đầu tư khai phá đất đồi trồng, chăm sóc 2ha giống thông. Hiện nay gia đình đã hết nghèo rồi, lại mới làm được cả nhà sàn lợp ngói đỏ 4 gian nữa”.

Trưởng thôn Nà Tẩng, Nguyễn Thị Lan chia sẻ: Thị trường tiêu thụ nhựa thông mấy năm nay khá ổn định, giá thu mua cao, nên nhiều hộ gia đình trong thôn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Một số hộ còn trở nên giàu có với mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. 100% hộ vay vốn chính sách đã sử dụng vốn vay chăm sóc rừng thông, trả nợ và lãi đúng hạn. Hai Tổ tiết kiệm và vay vốn trong thôn nhiều năm liền không có nợ quá hạn phát sinh, được chính quyền động viên, khen thưởng. Đồng vốn chính sách đã góp phần rất lớn trong phát triển rừng thông, đồng thời giúp cho cây thông trở thành cây mũi nhọn về xóa đói. giảm nghèo cho bà con DTTS nơi đây.

Với “cú hích” nguồn vốn chính sách đã tạo cơ hội thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững được đầu tư hỗ trợ hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu của đại bộ phận hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn trong huyện, đồng thời đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ việc thụ động trong cách làm kinh tế, chuyển mạnh sang vay vốn chính sách, lập kế hoạch sử dụng vốn vay lồng ghép với đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, NHCSXH huyện Lộc Bình sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào DTTS tiếp cận nhanh, thuận lợi nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Đông Dư - Mai Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác