Người biết quản lý vốn vay ở Na Pắc Ngam
Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Na Pắc Ngam hiện có 40 thành viên vừa vay vốn, vừa gửi tiết kiệm vào NHCSXH huyện Bắc Hà. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lâm Văn Tờ cho biết: Trong 40 hộ vay vốn trước đây của NHCSXH huyện, đến nay có nhiều hộ đã trả hết gốc và có tiền gửi tiết kiệm. Hiện, còn 29 hộ đang vay vốn, dư nợ trên 1,2 tỷ đồng, trong đó có 23 hộ vay vốn SXKD; 5 hộ vay vốn hộ nghèo và hộ cận nghèo; 2 hộ vay vốn hỗ trợ HSSV và 9 hộ vay vốn chương trình NS&VSMTNT.
Để nói cho bà con nghe và hiểu được ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng chính sách, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả của đồng vốn, ông đã tuyên truyền, vận động bà con trong thôn học hỏi những mô hình làm kinh tế khá. Chính ông cũng là người biết phát huy đồng vốn tín dụng chính sách vào phát triển kinh tế gia đình mình. Với số vốn vay ban đầu 30 triệu đồng, ông đã đầu tư trồng mận tam hoa, xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa… Từ nguồn vốn vay, biết đầu tư đúng hướng, đồng vốn đã sinh lời, ông lại quay vòng tiếp tục đầu tư ở các năm sau. Cứ thế, có tiền dư dả, cuộc sống của gia đình ông ngày càng khấm khá.
Nhiều thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Na Pắc Ngam từ hộ nghèo đã thoát nghèo, trả hết gốc và lãi vốn vay hộ nghèo và tiếp tục vay vốn phát SXKD. Điển hình như hộ ông Lâm Văn Thạo, trước đây thuộc diện hộ nghèo, năm 2013, được vay vốn từ NHCSXH, ông Thạo đầu tư phát triển kinh tế. Đến năm 2017, gia đình ông Thạo đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Ngoài vốn vay cho hộ nghèo, gia đình ông còn được vay vốn HSSV, tiếp sức cho ông nuôi 2 con học hết đại học, cao đẳng. Thoát nghèo, năm 2018, ông Thạo mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư SXKD, mong muốn tiếp tục phát triển kinh tế.
Đặc biệt, điều hành Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, ông Lâm Văn Tờ đã họp bàn thống nhất với các thành viên trong tổ về việc sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm từ các thành viên. Tổ tiết kiệm và vay vốn đã quy ước mỗi hộ thành viên gửi tiết kiệm 30 nghìn đồng/tháng. Số tiền tiết kiệm này dùng trả lãi khi gặp khó khăn hoặc dư tiết kiệm trên 10% dư nợ, sẽ trích trả gốc.
Bà Trần Thị Quế Anh, cán bộ NHCSXH huyện Bắc Hà cho biết: Ông Lâm Văn Tờ không chỉ là Trưởng thôn gương mẫu, người có uy tín ở địa phương mà còn là một trong những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn giỏi của NHCSXH huyện. Tổ tiết kiệm và vay vốn của ông Lâm Văn Tờ được đánh giá hoạt động hiệu quả, luôn chấp hành tốt quy định vay vốn, trả lãi, trả nợ gốc đúng hạn, không có nợ đọng. Ông Tờ còn là người tích cực trong việc đôn đốc, kiểm tra các hộ vay vốn sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Bài và ảnh Lê Thanh Cường
Các tin bài khác
- » Mộ Đức phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMTNT
- » Điều chỉnh một số chính sách xây dựng cụm dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL
- » Khảo sát hiệu quả tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc Yên Bái
- » “Đòn bẩy” làm giàu của nhà nông dân đất quan họ
- » Động lực để thoát nghèo bền vững
- » Vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ổn định cuộc sống
- » Đại hội Công đoàn Ngân hàng Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023
- » Tọa đàm về phương pháp nghiên cứu khoa học
- » Chương trình Cặp lá yêu thương tại xứ Lạng - Vì sẻ chia là hạnh phúc