Nông dân Cần Thơ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
Theo Hội Nông dân thành phố, nguồn vốn ủy thác NHCSXH là kênh cấp vốn quan trọng giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm. Hằng năm, Hội Nông dân thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác và phối hợp NHCSXH thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Hội Nông dân cơ sở phối hợp chính quyền địa phương, NHCSXH quận, huyện củng cố, nâng chất hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Hội Nông dân thành phố đang quản lý 783 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ ủy thác đạt gần 819 tỷ đồng, với gần 38 nghìn hộ còn dư nợ, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,3%. Ông Nguyễn Sơn Tùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: “Được hỗ trợ vốn vay, nhiều gia đình hội viên có nguồn vốn để SXKD vươn lên thoát nghèo bền vững, con em có điều kiện học tập. Để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Nông dân thành phố chỉ đạo các cấp hội phân công cán bộ lãnh đạo trực tiếp theo dõi công tác ủy thác, thường xuyên kiểm tra, giám sát hội cơ sở, Tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đối với các đơn vị có nợ tồn đọng cao; hằng năm, phối hợp NHCSXH tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn…”. Ông Tùng cũng nhận xét rằng, thông qua hoạt động quản lý, điều hành vốn vay, đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp được rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ công tác hội, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hội viên. Qua đó, xây dựng kế hoạch, biện pháp phù hợp, tạo sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức hội.
Có vốn vay, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả hơn. Trước đây, hộ ông Trịnh Văn Lắm, ngụ ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, chuyên canh lúa nên cuộc sống gia đình khá chật vật. Thấy một số hộ dân trong xã trồng nhãn đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Lắm quyết định chuyển sang trồng nhãn. Năm 2016, ông Lắm đầu tư trồng 5 công nhãn, thu hoạch được 7 tấn trái, bán giá 25 nghìn đồng/kg, đạt thu nhập khá nên tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhãn. Đang gặp khó khăn về vốn, ông Lắm may mắn được hỗ trợ vay vốn NHCSXH. Ông Lắm nói: “Tôi được vay 40 triệu đồng để đầu tư trồng 6 công nhãn mới, hiện đang chờ thu hoạch. Cuộc sống gia đình tôi hiện ổn định hơn trước đây rất nhiều”.
Ở ấp Định Khánh A, gia đình ông Trần Hồng Điều cũng vươn lên thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Ông Điều chia sẻ: “Khoảng 5 năm trước, gia đình tôi vay vốn NHCSXH để chăn nuôi heo, cải tạo vườn trồng nhãn và thoát nghèo năm 2016. Nhờ được tiếp tục vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để nuôi trồng, gia đình tôi không còn thiếu trước hụt sau, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Hiện hai người con lớn của tôi đã đi làm, con út đang học đại học”.
Theo ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Lai, hiện nay, nguồn vốn ủy thác NHCSXH huyện qua Hội Nông dân huyện hơn 126 tỷ đồng, với gần 7 nghìn hộ còn dư nợ. Để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp NHCSXH kiện toàn và củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tích cực phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn vay, thu hồi nợ.
“Thời gian qua, Hội Nông dân và NHCSXH phối hợp thực hiện hiệu quả các công việc theo văn bản liên tịch ký kết. Trong đó, có tuyên truyền, xét duyệt cho vay; theo dõi kiểm tra, quản lý đối tượng vay vốn, đôn đốc thu hồi nợ; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, kiện toàn hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức tốt hoạt động giao dịch tại xã, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn”, ông Huỳnh Văn Thuận - Giám đốc NHCSXH TP Cần Thơ cho biết.
Theo Phi Yến Báo Cần Thơ
Các tin bài khác
- » Cho vay tín dụng vùng khó khăn: Tác động kép ở Lộc Bình
- » Tín dụng chính sách tiếp sức cho vùng khó khăn
- » Nông dân Hải Hà thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » “Chiếc cần” mưu sinh của người Arem
- » Bắc Hà đổi thay nhờ nguồn vốn chính sách
- » “Ba biết” ở Đồng Lâm
- » Người biết quản lý vốn vay ở Na Pắc Ngam
- » Mộ Đức phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMTNT
- » Điều chỉnh một số chính sách xây dựng cụm dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL