Tín dụng chính sách tiếp sức cho vùng khó khăn
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 218 xã thuộc khu vực I, khu vực II và khu vực III với 451 thôn đặc biệt khó khăn, trên 200 nghìn người là đồng bào DTTS, chiếm 16% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… Với những đặc điểm đó, đồng vốn tín dụng ưu đãi luôn là nguồn lực quan trọng đối với bà con DTTS nơi miền sơn cước còn nhiều khó khăn này.
Để đồng vốn của chương trình bao phủ khắp vùng, miền được thụ hưởng, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực triển khai các giải pháp, tăng cường mở rộng mạng lưới, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, đem đồng vốn ưu đãi đến với người dân. Tại mỗi xã, NHCSXH các huyện đều đặt Điểm giao dịch xã và tổ chức giao dịch trực tiếp vào ngày quy định. Cán bộ ngân hàng trực tiếp hướng dẫn các hộ dân xây dựng phương án sản xuất, lập hồ sơ theo quy định để đủ điều kiện vay vốn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ngay từ cơ sở. Đối với những thôn bản đặc biệt khó khăn, cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống tuyên truyền, tư vấn tại hộ nhằm nâng cao nhận thức, xác định khả năng đầu tư phù hợp. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đã giúp cho các hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn có thêm nguồn vốn để đầu tư kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của chương trình đạt gần 500 tỷ đồng với gần 16 nghìn hộ còn dư nợ.
Tân Sơn là huyện miền núi nghèo của tỉnh, có 17 xã, 195 khu dân cư, trong đó có 6 xã và 99 khu thuộc diện đặc biệt khó khăn, dân số của huyện trên 80 nghìn người thì có đến hơn 82% là người DTTS. Với những khó khăn đó, chương trình tín dụng đối với hộ SXKD thực sự là “cứu cánh” cho huyện. Hiện trên địa bàn huyện đã có trên 2 nghìn khách hàng vay vốn của chương trình với tổng dư nợ trên 51 tỷ đồng.
Chúng tôi về xã Thu Ngạc dưới cái nắng chói chang của mùa hè. Trong tiếng ầm ào của máy tuốt lúa, nông dân Trần Tiến Dũng, khu Liên Minh, xã Thu Ngạc phấn khởi nói: “Gia đình tôi được vay 50 triệu đồng của chương trình tín dụng đối với hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, tôi đầu tư mua máy tuốt lúa trị giá trên 40 triệu đồng. Qua hai vụ nhận tuốt lúa cho bà con, gia đình cũng thu được trên hai chục triệu. Nếu cứ đà này, cộng với chăn nuôi, trồng trọt, tôi sẽ nhanh trả được gốc và có tích lũy”.
Không chỉ có hộ anh Dũng mà còn nhiều hộ ở Thu Ngạc được hưởng chính sách ưu đãi này đã và đang vươn lên làm giàu từ SXKD, hoạt động thương mại như hộ ông Trần Xuân Cảnh, bà Hà Thị Tứ…
Cũng như Tân Sơn, ở huyện miền núi Thanh Sơn, NHCSXH huyện nỗ lực “tiếp sức” cho bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Ngọc Lâm cho hay: “Kênh tín dụng này đã mở hướng, giúp cho nhiều gia đình có vốn để tạo việc làm ổn định, giúp họ quen dần với cách thức tổ chức SXKD. Với mạng lưới tín dụng hoạt động như hiện nay, chúng tôi đảm bảo các hộ được tiếp cận nguồn vốn của chương trình một cách thuận lợi”.
Làm việc tại xã Sơn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định: “Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đã góp phần không nhỏ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách bền vững. Đến nay, Sơn Hùng chỉ còn 6,7% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người trên 26 triệu đồng/người/năm. Xã phấn đấu cuối năm 2018 cán đích nông thôn mới”.
Qua tìm hiểu được biết, ở Thanh Sơn có rất nhiều mô hình làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi này tập trung vào một số lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương… góp phần thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình vùng kinh tế khó khăn, nhiều gia đình nhờ vào nguồn tín dụng ưu đãi đã vươn lên làm giàu.
Có thể thấy, bức tranh toàn cảnh của chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do NHCSXH tỉnh Phú Thọ thực hiện đã đạt được những kết quả rõ rệt. Chương trình đã cho vay đúng đối tượng, hộ vay được cả ngân hàng và cộng đồng cùng giám sát nên sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu về vốn vay của các hộ dân tại vùng khó khăn, thời gian tới, NHCSXH tỉnh và các huyện tiếp tục làm tốt công tác tham mưu trong việc phân bổ và điều hành nguồn vốn giữa các đơn vị, đảm bảo hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường kiểm tra, giám sát hộ sử dụng vốn vay, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn, tạo nhanh nguồn vốn quay vòng. Các cấp chính quyền địa phương cân đối, dành một phần ngân sách chuyển sang ngân hàng để tăng thêm nguồn vốn cho vay các đối tượng…
Bài và ảnh Phương Thảo Báo Phú Thọ
Các tin bài khác
- » Cho vay tín dụng vùng khó khăn: Tác động kép ở Lộc Bình
- » Nông dân Hải Hà thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » “Chiếc cần” mưu sinh của người Arem
- » Bắc Hà đổi thay nhờ nguồn vốn chính sách
- » “Ba biết” ở Đồng Lâm
- » Người biết quản lý vốn vay ở Na Pắc Ngam
- » Mộ Đức phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMTNT
- » Điều chỉnh một số chính sách xây dựng cụm dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL
- » Khảo sát hiệu quả tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc Yên Bái