Hiệu quả từ việc đưa Chỉ thị 40 vào cuộc sống ở Quảng Ninh

22/06/2018
(VBSP News) Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, sau 3 năm NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp sáng tạo nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân, xây dựng nông thôn mới.
QN

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách tại Quảng Ninh ngày càng phát huy được hiệu quả

Vài năm trước, khi còn là một trong số những hộ nghèo của xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), chị Lô Thị Thủy chẳng dám mơ đến đàn lợn, đàn gà, cánh rừng xanh tốt. Khi đó, gia đình chị chỉ mong trời đừng mưa to gió lớn để vợ chồng chị và các con sống yên ổn trong ngôi nhà tranh vách đất, kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày. Vì vậy, khi nhận được thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH dành cho hộ nghèo đã nhen nhóm trong vợ chồng chị hy vọng thoát khỏi khó khăn. Được sự vận động của chính quyền xã, gia đình chị Thủy mạnh dạn vay 50 triệu đồng hộ nghèo. Với số tiền vay, chị Thủy tập trung vào trồng cây keo với mong muốn khoảng 5 năm cánh rừng này sẽ giúp vợ chồng chị đổi đời. Để cho cuộc sống được tốt hơn, chị tiếp tục vay vốn chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh. Đến nay, tổng số tiền chị vay NHCSXH là 92 triệu đồng. Chăm chỉ làm lụng, thu lãi từ những lứa lợn xuất chuồng, từ đồng áng, tiền tích cóp, dành dụm chị quay vòng vốn để chăm sóc rừng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi, tăng đàn lợn, đàn gà, xây hầm biogas. Cứ như vậy, giờ đây, cuộc sống của vợ chồng chị Thủy đã bước sang trang mới, đó là chính thức thoát nghèo. Căn nhà kiên cố, khang trang là một trong những minh chứng rõ nét nhất trong hành trình thoát nghèo của gia đình chị Lô Thị Thủy.

Chị Lô Thị Thủy chỉ là một trong số 74.842 người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tiếp cận vốn vay, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ làm thay đổi hẳn cuộc đời số phận của mình. Sau 3 năm triển khai, nguồn vốn đã giúp gần 10 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho trên 15 nghìn lao động, trên 2 nghìn lượt HSSV nghèo được vay vốn học tập, xây dựng 36 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và 2.617 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…

Để đạt được kết quả trên, sau khi Ban Bí thư TW ban hành Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tham mưu kịp thời cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ, đảng viên tạo sự thống nhất cao. Qua đó, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến các địa phương đều quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong việc bổ sung nguồn vốn, bố trí địa điểm, thời gian làm việc… Cùng với đó, các cấp, ngành và địa phương đều tích cực chuyển vốn uỷ thác qua NHCSXH tỉnh. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh và huyện ủy thác qua NHCSXH tỉnh đạt trên 136 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách của tỉnh chuyển sang NHCSXH đạt trên 91 tỷ đồng; ngân sách huyện bổ sung 45 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đến nay đạt trên 2.615 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đã được củng cố, kiện toàn kịp thời, bổ sung 186 thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã. Để triển khai hiệu quả nguồn vốn, Ban đại diện HĐQT các cấp thường xuyên tổ chức phiên họp định kỳ theo đúng quy định. Sau mỗi phiên họp, Trưởng Ban đại diện HĐQT đều ban hành Nghị quyết chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian tiếp theo. Trên cơ sở đó, các thành viên phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác giám sát hoạt động của ngân hàng và các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, cũng như chủ động tháo gỡ vướng mắc. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp cũng đã thực hiện tốt nội dung uỷ thác, thường xuyên củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn do cộng đồng dân cư thành lập, phối hợp lồng ghép chuyển giao KHKT giúp bà con biết cách sản xuất. Nhờ vậy, chương trình đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội để tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài và ảnh Cao Quỳnh

Các tin bài khác