Lai Châu mạnh tay chuyển “của để dành” cho người nghèo

22/06/2018
(VBSP News) Nếu nói về đất, Lai Châu chẳng thiếu khi diện tích đất tự nhiên. Song địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh, mật độ dân cư thấp và phân bố không đều là trở ngại lớn trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Và theo chiều ngược lại, khi những con đường về nhiều xã, huyện còn gian khó, kinh tế hàng hóa cũng khó chạm vào những vùng đất mà kinh tế tự cung, tự cấp đã vây bám từ ngàn đời. Cũng bởi vậy, cùng với việc tối ưu hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ ủy thác qua NHCSXH, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, địa phương ngày càng “dành dụm” nhiều hơn nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH tỉnh để đẩy nhanh tốc lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
LC1

Gia đình chị Lò Lý Xó, người dân tộc La Hủ ở xã Tá Bạ, huyện Mường Tè được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo đã đầu tư nuôi bò sinh sản, cải tạo thêm vườn đồi, hiện gia đình có đàn bò 4 con, cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn

Thêm điểm tựa cho người nghèo

Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc NHXCSXH huyện Phong Thổ cho biết, huyện có 18 xã, thị trấn thì có đến 14 xã đặc biệt khó khăn, trong đó 13 xã biên giới. Địa hình núi trung bình và núi thấp xen thung lũng (gần 70% diện tích có độ dốc lớn trên 250), không có cánh đồng lớn, nên ngay cả việc đảm bảo lương thực những năm trước cũng là chuyện khó khăn. Chính vì vậy, định hướng phát triển kinh tế của huyện hướng tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng kinh tế hàng hóa như trồng rừng, chè, bông, cây ăn quả, khai thác dược liệu và chăn nuôi đại gia súc như: trâu, bò, dê, ngựa. Dòng vốn tín dụng chính sách bám sát vào định hướng này góp phần giúp những hộ nghèo, đối tượng chính sách hòa nhập vào nhịp phát triển kinh tế huyện, vươn lên thoát nghèo. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 8.256 hộ được tiếp cận vốn vay từ NHCSXH huyện Phong Thổ, với dư nợ trên 297.052 triệu đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã cho vay 4.867 triệu đồng với trên 200 hộ được vay vốn. Nguồn vốn này cộng hưởng cùng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã góp phần giúp trên 400 hộ thoát nghèo mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm.

Về thăm xã Bản Lang, là một trong những xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ, với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Dao, Thái, Mông, Giáy, Kinh); trong đó dân tộc Dao chiếm gần 60% càng cảm nhận rõ hơn những hiệu ứng của nguồn vốn tín dụng chính sách. Xã nằm trong vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa nắng nóng thường kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ lớn gây sạt lở đường đi lại, mương máng, vùi lấp đồng ruộng, cả nhà cửa và người cũng bị thiệt hại.

Những năm trước tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, kinh tế chuyển đổi chậm, sản xuất vẫn mang nặng tự cung, tự cấp là chính; nhiều hộ dân còn mang nặng tính trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa cố gắng vươn lên thoát nghèo, Chính vì vậy, để hỗ trợ người dân Bản Lang phát triển kinh tế, NHCSXH đã cùng địa phương và các hội, đoàn thể vừa nâng cao dân trí vừa lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế, mô hình sản xuất cùng với việc đưa vốn đến các đối tượng chính sách tín dụng xã hội. Kết quả có thể thấy rõ qua cả chất và lượng tín dụng. Hiện xã Bản Lang có hơn 1.400 hộ thì đã có 1.138 hộ đang vay vốn, dư nợ 45.644 triệu đồng. Hằng năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm trên 114 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm hộ nghèo trên 4%.

Trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay tại xã là 56 hộ, dư nợ trên 1,651 triệu đồng, các hộ gia đình được tiếp cận vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Như gia đình ông Vùi Văn Phù ở bản Nà Cúng, xã Bản Lang là một trong những hộ chuyển biến rõ nét về điều kiện kinh tế sau khi được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Trước đây gia đình không chỉ thuộc hộ nghèo mà đời sống vô cùng khó khăn. Năm 2016 gia đình được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng hộ nghèo, với số tiền này gia đình đã đầu tư chăn nuôi lợn và trâu sinh sản, tận dụng nguồn thức ăn dồi dào, cũng như tích cực chăm sóc, đàn lợn và trâu của gia đình đều phát triển rất tốt, dần từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu, trong năm 2017 gia đình đã nâng cấp sửa chữa được nhà của mình, các con được học tập đầy đủ.

Gia đình bà Vàng Thị Tưởng, cư trú ở bản Nà Cúng, xã Bản cho biết: Tháng 6/2016 gia đình được vay 30 triệu đồng hộ nghèo từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH cho vay và 20 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo của Chính phủ. Nhờ có nguồn vốn đó gia đình đã đầu tư nuôi trâu sinh sản, lợn, gà thịt, sử dụng đúng mục đích, gia đình đã phát huy được nguồn vốn vay, chăm chỉ làm ăn và vươn lên thoát nghèo.

LC2

Thông tin về hộ vay, các chương trình tín dụng chính sách mới… được NHCSXH tỉnh Lai Châu niêm yết công khai tại 108 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn

Xung lực mới trên mặt trận giảm nghèo

Những điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả ấy thêm một lần nữa minh chứng cho hiệu quả triển khai thực hiện Chỉ thị 40 tích cực của địa phương trong 3 năm qua. Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Hoàng Minh Tế kiêm Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu cho biết, ngay sau khi có Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Cùng với việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ, đảng viên tạo sự thống nhất cao trong việc triển khai Chỉ thị 40 vào cuộc sống. NHCSXH đã phối hợp với cơ quan thông tin tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về nội dung của Chỉ thị và các kế hoạch triển khai Chỉ thị của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các Sở, ngành. Qua đó, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến các huyện, thành phố đều quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ NHCSXH về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và ủy thác nguồn vốn cho vay.

Đặc biệt, chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 15 năm về tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ. Tại Hội nghị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đến các Sở, ban ngành, huyện ủy, HĐND, UBND các huyện có dịp cùng NHCSXH nhìn lại và đánh giá rõ nét về vị trí, vai trò và những thành quả đạt được của tín dụng chính sách xã hội, những tồn tại, hạn chế về cơ chế chính sách, về mô hình tổ chức quản lý, về tổ chức chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt thực tế kiểm chứng sinh động của nguồn vốn ủy thác địa phương qua NHCSXH, trở thành nguồn bổ sung đắc lực chủ động, ổn định ngay tại địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được chỉ định cho vay trên địa bàn.

Việc ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn một mặt tạo chuyển biến trong nhận thức của các các chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Mặt khác thông qua việc ủy thác này các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm giám sát thực thi đảm bảo đúng các quy định từ đó chất lượng hoạt động của NHCSXH cũng sẽ ngày càng nâng lên, hiệu quả vốn vay đi vào thực chất… đặc biệt cho các đối tượng yếu thế.

LC3

Tín dụng chính sách giúp bà con dân tộc tỉnh Lai Châu có nước sạch để dùng

Đặc biệt, sau Hội nghị tổng kết, Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó có nội dung bố trí nguồn ngân sách địa phương hằng năm cấp tỉnh tối thiểu 10 tỷ đồng, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng chuyển sang NHCSXH cùng cấp để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn.

Để rồi nhìn lại sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 40, đến hết tháng 3/2018 nguồn vốn ủy thác từ địa phương sang NHCSXH tỉnh Lai Châu đạt 39 tỷ đồng để cho 1.244 lượt hộ được vay vốn, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo 21.176 triệu đồng, cho vay giải quyết việc làm 15.956 triệu đồng, cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn là 600 triệu đồng.

Nguồn vốn đầu tư chủ yếu làm chuồng trại, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, kinh doanh buôn bán nhỏ. Qua kiểm tra, đánh giá các hộ vay đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả của vốn vay đã và đang phát huy tốt, các hộ nộp lãi đầy đủ theo quy định, một số hộ vay vốn đã trả được một phần gốc trước hạn và nợ gốc phân kỳ; Nguồn vốn đầu tư mua 1.068 con trâu, bò để vừa sinh sản vừa tạo sức kéo với số tiền là 15.800 triệu đồng; 281 lượt hộ vay đầu tư với với số tiền 7,1 tỷ đồng để làm chuồng trại, chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm các loại; 112 lượt hộ vay vốn về để đầu tư SXKD buôn bán nhỏ với số tiền là 2.895 triệu đồng, tạo việc làm cho 230 lượt lao động…

Như nhiều hộ dân trên vùng đất Lai Châu này, gia đình ông Lò Văn Binh và gia đình bà Lò Thị Thím ở bản Hợp 2, xã Bản Lang thuộc hộ nghèo, đầu năm 2018 được vay vốn 50 triệu đồng từ ngân sách địa phương mà NHCSXH nhận ủy thác phục vụ cho mục đích mua trâu chăn nuôi sinh sản, phát triển kinh tế hộ gia đình. Những cơ hội mới cho người dân đang mở ra, nguồn vốn ủy thác của địa phương cùng với dòng vốn ngày một dày hơn từ NHCSXH giúp cho Lai Châu góp phần thực hiện mục tiêu mà tỉnh đưa ra giảm tỷ lệ hộ nghèo 3 - 4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên) và hộ cận nghèo từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 1,5 lần so với năm 2015; Phấn đấu có 1 đến 2 huyện nghèo ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước; 15% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

“Nguồn vốn UBND tỉnh, huyện chuyển sang NHCSXH để cho vay trên địa bàn tăng trưởng ổn định qua từng năm một mặt thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, mặt khác góp phần chia sẻ gánh nặng đối với ngân sách Trung ương, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế ghi nhận.

Bài và ảnh Minh Ngọc - Trần Việt

Các tin bài khác