Chính quyền vào cuộc, chất lượng tín dụng chính sách được cải thiện

29/06/2018
(VBSP News) Tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Đổi lại, sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền sẽ giúp chất lượng tín dụng chính sách ngày một cải thiện, nâng cao.
image001

Cán bộ hội, đoàn thể kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay ở huyện Đông Hòa

Tham gia giao ban định kỳ

Từ khi trở thành thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đông Hòa (Phú Yên), ông Huỳnh Minh Thường - Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông ý thức được trách nhiệm của mình, ông Thường đã cố gắng sắp xếp công việc để tham gia giao ban đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, ông còn yêu cầu cấp trưởng, phó hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn đều phải tham gia giao ban với ngân hàng để qua đó nắm được chủ trương, chính sách, tình hình triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã; đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để cùng tháo gỡ.

Ông Thường cho biết: Cuối quý I/2017, tỷ lệ nợ quá hạn các chương trình tín dụng chính sách xã hội của xã Hòa Xuân Đông xếp thứ 9/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Hòa. Trước tình hình này, tôi đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện các hội, đoàn thể trên địa bàn tìm hướng khắc phục. Theo đó, các đơn vị liên quan tiến hành rà soát những trường hợp nợ dây dưa, kéo dài để xây dựng kế hoạch thu nợ phù hợp; đối với các hộ vay đi làm ăn xa thì tranh thủ lúc họ về địa phương để vận động thu nợ. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời thông báo cho hộ vay trước 3 tháng khi nợ chuẩn bị đến hạn. Các hội, đoàn thể, thôn, tổ bình xét hộ vay công khai, đúng đối tượng; đồng thời tập trung kiểm tra xem hộ vay sử dụng vốn có đúng mục đích hay không… Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt như vậy, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn xã có sự cải thiện đáng kể. Từ một xã có tỷ lệ nợ quá hạn áp chót, đến cuối năm 2017, Hòa Xuân Đông đã vươn lên trở thành đơn vị có nợ quá hạn thấp nhất huyện.

Tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, ông Thái An Nam - Chủ tịch UBND xã này cho hay: Sau khi trở thành thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện thì tôi luôn duy trì giao ban tại xã mỗi quý một lần. Tại mỗi kỳ giao ban, Chủ tịch xã chủ trì, thành viên các hội, đoàn thể nhận ủy thác từ cấp chi hội trưởng trở lên phải tham gia để phản ánh cụ thể tình hình quản lý vốn, những khó khăn trong việc quản lý vốn, bàn biện pháp vận động thu hồi, xử lý nợ quá hạn… Khi thực hiện quyết liệt giải pháp này, chúng tôi nhận thấy chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn được cải thiện rõ rệt.

Đưa chất lượng tín dụng vào chỉ tiêu xét thi đua

Không riêng sự đổi thay từ cấp cơ sở, ở cấp huyện, chính quyền các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ông Tô Phương Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Sơn Hòa cho biết: Để nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội, địa phương đã đưa chất lượng tín dụng chính sách vào chỉ tiêu xét thi đua hàng năm đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Thêm vào đó, huyện cũng yêu cầu MTTQ, hội, đoàn thể các cấp tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; hướng dẫn bình xét cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích; chủ động đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; phối hợp đối chiếu, phân tích nợ vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội…

Còn theo ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP Tuy Hòa, địa phương đã thống nhất đưa tỷ lệ nợ quá hạn trở thành một chỉ tiêu quan trọng trong việc bình xét thi đua của các tập thể, cá nhân và bình xét khu phố, thôn văn hóa trên địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các thành viên Ban đại diện tăng cường kiểm tra, giám sát đầy đủ theo kế hoạch; chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. “Đối với các địa bàn chất lượng tín dụng chưa cao, chúng tôi thành lập đoàn làm việc trực tiếp, giao nhiệm vụ cho địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao. Từ đó, các xã, phường đã có những chuyển biến tích cực; cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn trong công tác giám sát nguồn vốn, chất lượng nợ được cải thiện. Năm 2017, tỷ lệ nợ quá hạn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn TP Tuy Hòa giảm từ 0,6% xuống còn 0,48%”.

Theo Lê Hảo Báo Phú Yên

Các tin bài khác