Tăng sức bền cho phát triển kinh tế từ chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm

29/06/2018
(VBSP News) 3,3 triệu lao động được tạo việc làm thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm trong 15 năm qua cùng nguồn vốn huy động 1.629 tỷ đồng của NHCSXH đã góp phần duy trì và mở rộng việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm... Thông qua chương trình đã xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất điển hình về làm ăn kinh tế giỏi, không chỉ ở thành thị mà còn cả ở nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn...
image001

HTX nông nghiệp số 2, xã Định An, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) được vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm mở rộng nhà xưởng, mua nguyên liệu, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 5 lao động trong vùng

Ươm mầm sinh kế

Bây giờ anh Mai Long Hồ, sinh năm 1971 ở tổ 4, khóm Thuận Trung, phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã có một cuộc sống ổn định với Cơ sở cưa xẻ gỗ tại nhà, đủ để anh trang trải cho cuộc sống gia đình và chăm lo cho việc học của hai cô con gái nhỏ, giúp con gái lớn của anh là Mai Thị Thúy Liễu đã tốt nghiệp Học viện Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh. Những nền tảng đó như anh tâm sự nhờ cả vào đồng vốn vay từ NHCSXH. Anh tâm sự và nhớ lại những ngày tháng gian khó từ năm 2002 - 2010, gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Vợ anh nhận đan lục bình với mức 30.0000 đồng/ngày, còn anh đi làm thuê mỗi ngày kiếm được 70.000 đồng. Thu nhập ít ỏi lại không ổn định nên việc phải chăm lo cho 5 đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học quá khó nhọc. Hoàn cảnh gần như bế tắc” anh bùi ngùi kể lại. Vợ anh chẳng thể chịu nổi bỏ đi để lại gánh nặng gia đình lên đôi vai anh. Thế rồi anh được NHCSXH tỉnh Đồng Tháp cho vay vốn hộ nghèo 7 triệu đồng để cưa xẻ gỗ. Cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể phường Hòa Thuận đã vận động giúp anh cất được căn nhà tình thương. Năm 2012, con gái lớn đỗ đại học, anh đã xin vay tiếp chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn để cho con Mai Thị Thúy Liễu học ngành tài chính kế toán Học viện Ngân hàng. Làm đủ nghề từ đi chở nước cho cơ sở nước đóng chai. Sau khi đã tất toán chương trình cho vay hộ nghèo mở được Cơ sở cưa xẻ gỗ tại nhà với nguồn vốn giải quyết việc làm là 5 triệu đồng, trả dần chương trình cho vay HSSV hiện còn 20 triệu đồng.

Cuối năm 2015, qua điều tra, khảo sát của địa phương gia đình anh thoát được nghèo. Từ năm 2016 đến nay anh và các con cố gắng làm tích lũy được tiền để sơn, sửa lại nhà và xây thêm phòng ngủ, căn nhà đẹp hơn trước đây nhiều.

Ở một nấc thang cao hơn, chương trình cho vay giải quyết việc làm không chỉ tạo cơ hội cho người vay mà mang tính chất lan tỏa ra cộng đồng như hộ anh Trần Minh Đức, sinh năm 1982 ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) trồng và sản xuất tinh bột nghệ. Trước khi được NHCSXH cho vay vốn, hoạt động sản xuất tinh bột nghệ của anh gặp nhiều khó khăn vì không đủ tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất. Máy thô sơ bé nhỏ, sản lượng làm ra hạn chế. Lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh thấp, đã có lúc việc sản xuất tinh bột nghệ của anh đi vào bế tắc. May mắn thay, trong lúc khó khăn đó anh đã tiếp cận được nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng đồng để phục vụ cho việc mua sắm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Sau khi nhận được vốn vay, anh đã mua mới dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ với giá 70 triệu đồng đồng. Đồng thời thuê thêm nhân công đẩy mạnh thu mua nguyên liệu.

Với dây chuyền sản xuất mới có công suất lớn, từ việc chỉ sản xuất khoảng 2 tạ nguyên liệu/ngày, đến nay, cơ sở của anh đã tăng năng suất lên 1 tấn/ngày. Sản phẩm làm ra từ chỉ 15kg tinh bột/ngày tăng lên 70 - 80kg/ngày. Sản phẩm được làm ra từ máy móc hiện đại hơn nên chất lượng cũng tăng lên, khách hàng tìm đến mua ngày càng nhiều. Doanh thu hằng tháng tăng từ 3 - 4 lần so với khi sản xuất bằng máy móc thô sơ. Sau chưa đầy 1 năm anh đã thu hồi được vốn mua sắm máy móc, trang thiết bị đã đầu tư và tích lũy mở rộng quy mô sản xuất. Từ chỗ chỉ giải quyết cho 2 lao động thường xuyên, nay cơ sở đã giải quyết được 5 lao động với việc làm ổn định cùng mức lương 5 triệu đồng/tháng. Đây cũng là động lực để anh phát triển rộng diện tích trồng nghệ nguyên liệu. Vùng nguyên liệu năm ngoái chỉ trồng được 2ha nay đã phát triển với diện tích 5ha. Giải quyết được thêm 10 lao động thời vụ với mức lương 150.000 đồng/ngày với các công việc như trồng nghệ, chăm sóc, khai thác nghệ…

“Vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp của NHCSXH đã giúp tôi mở rộng quy mô sản xuất. Là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh doanh sản xuất của tôi. Vừa nâng cao thu nhập và mức sống cho bản thân, giải quyết được thêm nhiều việc làm, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp cho bà con nông dân ở địa phương. Đây là vấn đề tôi thấy có giá trị và ý nghĩa thiết thực nhất mà NHCSXH đã mang lại cho địa phương và bản thân gia đình chúng tôi. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp tôi có tác dụng, góp phần chuyển đổi việc phát triển nông nghiệp của địa phương từ chỗ manh mún nhỏ lẻ, phát triển lên nền nông nghiệp hàng hóa” anh Đức phấn khởi.

Lan tỏa giá trị trong đời sống

Những điển hình sử dụng hiệu quả vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm trong 15 năm qua ủy thác qua NHCSXH đã tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm. Nói như ĐBQH Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đó nhìn nhận đã “chọn mặt gửi vàng” đưa nguồn vốn này về NHCSXH thay vì giải ngân qua Kho bạc Nhà nước từ năm 2003. Cộng thêm cơ chế chính sách ngày một khơi mở cả về nguồn vốn, đối tượng và mức vay, chương trình ngày càng đậm dấu lan tỏa trong cộng đồng.

Còn nhớ ngày đầu tiếp nhận từ Kho bạc Nhà nước với nguồn vốn nhận bàn giao 1.782 tỷ đồng và dư nợ 1.533 tỷ đồng. Việc phân phối và điều hành vốn, trình tự và quy trình thủ tục cho vay vẫn thực hiện như hướng dẫn của giai đoạn 2002 về trước. Từ tháng 4/2005 đến năm 2007, theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp cho cấp tỉnh duyệt dự án trên 100 triệu đến 500 triệu đồng, cấp huyện duyệt dự án đến 100 triệu đồng. Đối với nguồn vốn của tổ chức hội, đã phân cấp cho hội cấp tỉnh duyệt dự án đến 100 triệu đồng, hội cấp Trung ương duyệt dự án trên 100 triệu đến 500 triệu đồng. Người xin vay vốn phải lập Dự án gửi Cơ quan LĐTB-XH hoặc tổ chức hội, đoàn thể. Cơ quan LĐTB-XH hoặc tổ chức hội, đoàn thể quần chúng chủ trì, phối hợp với NHCSXH tổ chức thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho vay.

Từ tháng 2/2008 đến tháng 8/2015, Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện cho vay theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ với cơ chế quản lý của Quỹ có một số cải tiến theo hướng thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện. Đó là đối với dự án có mức vay trên 30 triệu đồng của Cơ sở sản xuất kinh doanh phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định hiện hành. Khi có nhu cầu vay vốn các đối tượng vay vốn phải xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của NHCSXH ở địa phương, NHCSXH địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt dự án.

Từ tháng 9/2015 đến nay, độ mở của Quỹ quốc gia về việc làm thêm rộng theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Thông tư hướng dẫn số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ LĐTB-XH. Theo đó, TW MTTTQ Việt Nam và Bộ Quốc phòng không tham gia quản lý nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm. Đối tượng vay mở rộng với người lao động và Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Mức vay tối đa là 50 triệu đồng với người lao động . Đối với Cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vay một dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho một người lao động được tạo việc làm.

Đáng nói là cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương trong suốt quá trình quản lý cho vay vốn. Cơ quan LĐTB-XH mặc dù không phê duyệt cho vay các dự án vay vốn nhưng đều phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để tham gia giám sát, kiểm tra các cơ quan thực hiện chương trình và hoạt động cho vay của NHCSXH. Thẩm quyền phê duyệt Dự án theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã có sự phân cấp cho cấp cơ sở, theo đó Chủ tịch UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án xem xét, phê duyệt đối với dự án thuộc nguồn vốn do UBND cấp tỉnh quản lý hoặc Thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, phê duyệt đối với dự án thuộc nguồn vốn do tổ chức thực hiện chương trình quản lý. Do đó, các dự án có mức vay trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng không phải trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng hội, đoàn thể Trung ương phê duyệt. Việc đổi mới này đã góp phần rút gắn thời gian phê duyệt các dự án.

Những chính sách được khơi mở đã góp phần đưa tổng nguồn vốn của chương trình sau 15 năm hoạt động đạt 10.319 tỷ đồng, tăng 8.500 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao năm 2003 (trong đó nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm Trung ương là 4.468 tỷ đồng, tăng 2.686 tỷ đồng và nguồn vốn giải quyết việc làm địa phương là 4.222 tỷ đồng, tăng 4.185 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao; nguồn vốn do NHCSXH huy động là 1.629 tỷ đồng).

Nhìn lại 15 năm qua trên 2,3 triệu lượt khách hàng được vay vốn với doanh số cho vay đạt 32.979 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 24.181 tỷ đồng, nợ quá hạn và nợ khoanh của chương trình là 81 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,8%/tổng dư nợ, cho thấy dòng vốn không chỉ mở rộng đến các đối tượng mà được sử dụng hiệu quả. Tổng dư nợ đến hết quý I/2018 là 12.397 tỷ đồng (dư nợ tăng 10.864 tỷ đồng so với khi nhận bàn giao năm 2003), với trên 389 nghìn khách hàng vay; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm là 10,2%.

Tuy nhiên, từ thực tiễn, nhiều ý kiến cho biết nhu cầu vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương rất lớn. Rất nhiều hộ thiếu vốn nên công việc bị đình trệ bế tắc, cứ mãi luẩn quẩn với quy mô nhỏ lẻ máy móc thô sơ lạc hậu nên không phát triển được. Đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp họ rất bị hạn chế về vốn sản xuất. Vay các nơi khác thì không có tài sản để thế chấp và phải trả lãi suất cao. Nguồn vốn cho vay ưu đãi này còn khiêm tốn.

Báo cáo của NHCSXH cũng cho thấy nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, hằng năm ngân sách Nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất thấp, từ năm 2013 đến nay ngân sách Nhà nước cấp bổ sung vốn cho Quỹ 146 tỷ đồng, riêng năm 2016 và năm 2017 ngân sách Nhà nước chưa cấp bổ sung vốn cho Quỹ nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhất là trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách nói chung và cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc nói riêng làm theo Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. UBND một số tỉnh, thành phố chỉ đạo chưa kịp thời các Sở, ngành, các cơ quan thực hiện Chương trình phối hợp cùng với NHCSXH trong xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng chây ỳ để hạn chế tình trạng nợ quá hạn, hạn chế vốn tồn đọng.

Đây cũng là những vấn đề mà NHCSXH đề nghị được hỗ trợ, giải quyết để việc thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ là tối ưu hóa hiệu quả trong thời gian tới, góp phần tăng cường năng lực hội nhập của từng người dân trong công cuộc CNH - HĐH đất nước thực hiện chương trình quốc gia về việc làm cũng như cộng hưởng giá trị trong hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Thái Hòa - Ngọc Minh

Các tin bài khác