Tín dụng chính sách nâng cao đời sống người dân ở Kiên Giang

29/06/2018
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Kiên Giang không ngừng phối hợp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao đời sống người dân, đồng thời đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn.
image001

Thông qua 145 Điểm giao dịch tại xã, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã kịp thời chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng (Trong ảnh: NHCSXH giao dịch với bà con xã Vĩnh Điều, huyện biên giới Giang Thành)

Với phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH tỉnh Kiên Giang và các hội, đoàn thể đã xây dựng được mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Cùng với mạng lưới hoạt động của các NHCSXH tại các huyện, Điểm giao dịch cố định tại 145 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ NHCSXH, thủ tục vay vốn đơn giản, vốn tín dụng được giải ngân đến tận tay người nghèo. Nguồn vốn ưu đãi đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, đầy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Tín dụng chính sách là một công cụ thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

NHCSXH tỉnh Kiên Giang đang triển khai 15 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đến nay đạt 2.900 tỷ đồng với trên 188 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có dư nợ tín dụng cao. Trong 3 tháng đầu năm 2018, NHCSXH tỉnh Kiên Giang giải ngân 5.285 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi và mua bán nhỏ; xây mới và nâng cấp sửa chữa 6.240 công trình cung cấp nước sạch và 6.543 công trình vệ sinh môi trường; 993 lượt hộ gia đình vay vốn phát triển SXKD tại các xã thuộc vùng khó khăn…

Ông Nguyễn Văn Ngải, ngụ số 213/2 đường Quang Trung, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá cho biết: “Trước đây, gia đình nghèo khó, gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, hai đứa con còn trong tuổi đi học, ngày làm thuê chạy ăn từng bữa. UBND phường Vĩnh Quang động viên, tạo điều kiện cho tôi vay vốn NHCSXH 10 triệu đồng để mở tiệm tạp hóa buôn bán nhỏ cho vợ để kiếm thêm thu nhập, còn tôi ban ngày đi làm trật tự đô thị, ban đêm thì đi thu mua bỏ mối bán gà cho các nhà hàng, quán ăn trong TP Rạch Giá. Hiện nay, trừ chi phí gia đình tôi có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Cái nghèo, cái khó đã dần rời xa gia đình. Nhờ đồng vốn của NHCSXH, với lãi suất ưu đãi, tôi có cơ hội phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Huỳnh Lê Phong - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá cho biết tình trạng “tín dụng đen” tức cho vay lãi cao ngày càng phổ biến trên địa bàn TP Rạch Giá, các hộ nghèo thiếu vốn sản xuất có thể vay nóng với lãi suất từ 5% - 20%/ngày. Nhằm hạn chế tình trạng cho vay lãi cao, tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, hằng năm, UBND phường Vĩnh Quang căn cứ vào danh sách bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo để xem xét, đề xuất với NHCSXH tỉnh Kiên Giang ưu tiên các nguồn vốn tín dụng chính sách cho các đối tượng này. Hoạt động bình xét hộ vay vốn được sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, đoàn thể và nhân dân; các chính sách về tín dụng, quy trình thủ tục, lãi suất cho vay, danh sách hộ vay,… được niêm yết công khai, minh bạch đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển kịp thời đến đúng đối tượng có nhu cầu thực sự.

Bài và ảnh Thành Văn

Các tin bài khác