Vun góp những giấc mơ thoát nghèo

05/07/2018
(VBSP News) Đất trời Sa Pa đang mát mẻ, trên các ruộng bậc thang đang vào mùa đổ nước, bà con và những “đầu cơ nghiệp” bắt đầu bước vào vụ sản xuất mới. Trên nẻo đường đến các thôn, bản vùng cao, những cán bộ NHCSXH huyện Sa Pa trở lại với công việc thường nhật, tiếp tục đem đồng vốn tín dụng đến với hộ nghèo, đối tượng chính sách, gieo niềm tin và vun góp những giấc mơ đổi đời, giúp họ thoát nghèo, làm giàu từ chính bàn tay lao động trên đồng đất quê hương.
image001

Tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS huyện Sa Pa trồng rau sạch

Chị Trần Thị Thanh Toan, cán bộ NHCSXH huyện Sa Pa nói với chúng tôi về hiệu quả mô hình nuôi bò theo dự án nuôi bò thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Từ năm 2016, mô hình hỗ trợ nông dân thôn Lếch Mông, xã Thanh Kim vay vốn mua 18 con bò giống (mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng/con) đến nay, đàn bò đã phát triển lên 54 con. Từ dòng vốn tín dụng chính sách, đã gieo niềm tin vào những giấc mơ đổi đời của người dân thôn Lếch Mông, thôn nghèo nhất huyện Sa Pa.

Sự thành công của mô hình bước đầu đã khẳng định, đồng vốn tín dụng chính sách chỉ phát huy hiệu quả khi người dân biết vận dụng linh hoạt “cần câu” để thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Đắc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Thanh Kim cho biết: Năm 2017, tổng dư nợ của xã Thanh Kim đạt 7,1 tỷ đồng; chỉ có 7 triệu đồng nợ lãi và không có nợ quá hạn. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nguồn vốn, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể và cán bộ NHCSXH huyện Sa Pa áp dụng giải pháp phân tích nợ, dư nợ để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay; đồng thời, chú trọng công tác thẩm định hộ vay, phân tích kỹ khả năng trả nợ trước khi giải ngân vốn vay…

Trong năm qua, việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Sa Pa có nhiều kết quả toàn diện. Các chương trình cho vay đã phát huy tốt vai trò trong công tác giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, trồng hoa và cây dược liệu. Năm 2017, NHCSXH đã đầu tư cho 3.497 hộ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi trâu, bò với số tiền trên 102 tỷ đồng; 1.654 hộ vay trên 61,6 tỷ đồng để trồng cây dược liệu, cây ăn quả; 243 hộ vay gần 9 tỷ đồng trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn; 180 hộ vay trên 6 tỷ đồng kinh doanh dịch vụ; xây dựng 988 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trên 10,4 tỷ đồng; trên 3,3 tỷ đồng làm 350 căn nhà trong chương trình xóa nhà tạm…

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều hộ có vốn để phát triển kinh tế. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hộ vay, từ đó thực hiện tốt việc trả nợ gốc, lãi đúng quy định, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá. Điển hình như hộ ông Sùng A Mềnh ở thôn Suối Thầu, xã Tả Phìn vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng địa lan; hộ ông Giàng A Lử ở thôn Lếch Mông, xã Thanh Kim vay 31 triệu đồng để mua bò sinh sản phát triển chăn nuôi; hộ bà Nguyễn Thị Chuyền, tổ 11a, thị trấn Sa Pa vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn địa phương để đầu tư trồng hoa ly…

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã phát huy sức mạnh, đầu tư đúng hướng, đem lại hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện trung bình 7,5%/năm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại một số xã, phát triển kinh tế - xã hội theo các đề án của huyện. Đặc biệt, trong năm 2017, huyện Sa Pa đã cân đối ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH huyện 970 triệu đồng để cho vay theo dự án chăn nuôi bò, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho người dân tại 10 xã. Chất lượng tín dụng đã từng bước nâng lên rõ rệt, thể hiện ở tỷ lệ nợ quá hạn giảm 122 triệu đồng so với năm 2016, lãi tồn giảm 100 triệu đồng so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hoàn thành 100% kế hoạch. Hiện có 12/18 xã không có nợ quá hạn và lãi tồn dưới 10 triệu đồng; 99,5% số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, khá. Ý thức chấp hành trả nợ của hộ vay dần được nâng lên. Năm 2017, NHCSXH huyện Sa Pa đã được khen thưởng hoàn thành xuất sắc chuyên đề kế hoạch tín dụng.

Mặc dù hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Sa Pa đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, theo ông Lê Tân Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, trong năm 2018 đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác tín dụng, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn cho vay tại cơ sở. Cụ thể cũng sẽ chuyển sang NHCSXH huyện 6 tỷ đồng để cho vay hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao trách nhiệm các tổ chức ủy thác cấp xã và tiếp nhận nguồn vay mới an toàn. Tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của TW, khơi tăng nguồn vốn tại địa phương tham gia nguồn vốn hoạt động của NHCSXH, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn… để đồng vốn tín dụng chính sách đến với người thụ hưởng đúng đối tượng, trở thành “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại Sa Pa.

Bài và ảnh Minh Hà

Các tin bài khác