Về nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

02/07/2018
(VBSP News) Mới chỉ 4 năm qua kể từ lần đầu đặt chân tới mảnh đất đại ngàn Y Tý mà cảnh vật đã đổi thay nhiều. Vẫn những ngôi nhà trình tường ẩn hiện trong mây, song Y Tý giờ đã có những quán cà phê và nhà nghỉ homestay tiện nghi có chăn, đệm điện. Hàng quán giờ không chỉ có trong chợ mà lan ra phía trung tâm xã phục vụ không chỉ đồng bào địa phương mà đón khách du lịch.
image001

NHCSXH tỉnh Lào Cai cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn

Đồng bào bây giờ đã quen với khách dưới xuôi, tiếng Kinh nói liến thoắng, smartphone đã thấy phổ biến trong giới trẻ ở trung tâm xã. Ruộng nương giờ cũng chẳng còn cả năm chăm chăm chờ một vụ lúa, người dân đã chuyển đổi sang trồng rau màu giá trị gia tăng cao, cây dược liệu, mở rộng chăn nuôi phát triển kinh tế cùng dòng vốn tín dụng chính thống duy nhất vươn đến nơi này từ NHCSXH huyện Bát Xát… Tính đến nay, dư nợ tín dụng của Y Tý đã đạt 14.077 tỷ đồng với tỷ đồng, với 547 hộ còn dư nợ. Số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 197,8 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã Y Tý Ly Giờ Có, cho biết, trong năm 2017 hộ nghèo của xã giảm 14,28% còn 65,72 % giảm khoảng 10% so với lần đầu tiên Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đặt chân đến mảnh đất này nhưng là tiêu chuẩn hộ nghèo đa chiều trong đó nhiều hộ không còn nghèo vì kinh tế mà vì các tiêu chí khác. Số người nghèo chỉ riêng trong năm 2017 đã giảm cả 100 người thay vì con số 3 năm trước theo chuẩn nghèo mới tới gần 90%. Dòng vốn của NHCSXH thấm dần vào mảnh đất này giúp cho mầm mống kinh tế hàng hóa phát triển, để rồi khi huyện, xã kêu gọi doanh nghiệp, và đưa các dự án phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao vào áp dụng, người dân Y Tý đã đón nhận hồ hởi. Và khi biết có khách du lịch tới, người dân cũng đã tranh thủ mang hàng hóa nông sản ra chào bán cho thấy kinh tế thị trường đang chạm mảnh đất này. Chẳng như những ngày đầu chúng tôi theo chân Phó Thống đốc Đào Minh Tú đi thực tế trong khóa đào tạo nguồn mùa lúa chín năm 2014 cũng như trao quà cho đồng bào cùng NHCSXH, kiếm được một người Hà Nhì, Mông nói tiếng kinh còn khó, muốn nói chuyện lại phải nhờ mấy anh cán bộ phiên dịch.

Xuôi về A Mú Sung, Dền Sáng, hay Sàng Ma Xáo, dù còn là những xã đặc biệt khó khăn của huyện, với tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 50%, cao gấp 2 lần bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện 28,3%, song đồng bào đã không còn phó mặc cuộc sống cho trời, sản xuất tự cung tự cấp mà đã bắt nhịp với kinh tế hàng hóa, vươn lên thoát nghèo.

Như xã Sàng Ma Sáo, đúng như ý nghĩa là mào gà, địa hình nơi đây với những dãy núi mào gà chia cắt mạnh với nhiều vực sâu, nên đất rừng nhiều, nhưng đất canh tác hữu hạn, đồng bào Mông nơi đây chẳng thể dựa vào cây lúa để bước qua đói nghèo. Nhất là với Sùng A Dế ở thôn Ky Quan San, xã Sàng Ma Sáo sinh liền một lúc 4 đứa con, đứa lớn mới chỉ học mẫu giáo, vợ chồng anh vẫn phải nương nhờ mái nhà của cha mẹ. Mong muốn tích lũy kinh tế, thoát nghèo của Dế gửi gắm vào 2 con trâu sinh sản mua từ nguồn vốn vay NHCSXH. Cái nghèo, cái khó của Ky Quan San còn cảm nhận rõ hơn khi anh Thào A Xá làm Trưởng thôn từ năm 2003 đến nay và mới kiêm thêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng là người nghèo. Cả thôn 83 hộ dân thì có 45 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Chính bởi vậy, với người dân trong thôn anh, nguồn vốn NHCSXH có nhiều ý nghĩa, người vay nuôi trâu như anh và các hộ nghèo, cận nghèo trong thôn, đầu tư mở rộng diện tích trồng cây xa mu. Người vay dựng căn nhà chắc chắn cho 3 đứa con và vợ chồng anh “mong an cư lập nghiệp” theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.

Vào sâu hơn như thôn Trung Chải, xã Dền Sáng, có 59 hộ/108 hộ là hộ nghèo và hơn nửa còn lại là hộ cận nghèo. Dù nằm ngay dãy núi phía trước mặt UBND xã và chưa phải là nơi cao nhất, song Trung Chải lại là nơi ít đất, ít nước nhất. Gặp năm mưa thuận gió hòa, người dân cũng phải đợi nước thêm một tháng so với các thôn khác để cày cấy, gặp phải năm thiếu mưa ruộng đành để bạc trơ cùng nắng gió. Nói đâu xa, ngay như Trưởng thôn Tẩu Sài Vảng, người dân tộc Dao trông nhanh nhẹn hoạt bát nhưng cũng chỉ vừa mới thoát khỏi hộ nghèo vào cuối năm 2017, nhưng để bền vững thoát nghèo vẫn còn bề bộn. Ngoài tài sản có được là 3 con trâu, thóc gạo mỗi năm cũng chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn.

Chưa kể thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, tuyết lạnh, khiến ranh giới tái nghèo mong manh. Như gia đình anh Phàn Xi Quan ở thôn Nậm Giàng II, xã Dền Sáng vay 10 triệu đồng của NHCSXH nuôi trâu từ năm 2014, đến nay đã phát triển thành đàn được 3 con trâu. Đang định bán một con đi trả nợ sớm cho NHCSXH thì một con trâu vừa chết do không chăm sóc cẩn thận. 50 bao lúa thu hoạch một năm không đủ nuôi 6 miệng ăn chưa kể cháu nội nên có việc gì, ai thuê anh đều làm từ bảo dưỡng đường đến khuân vác…

Song khó đến mấy, dòng vốn tín dụng vẫn là chỗ dựa lưng cho người nghèo lúc bắt đầu cũng như khi khó khăn. Bởi dù trung tâm huyện chỉ cách thành phố Lào Cai vẻn vẹn 12km, song điểm đến xa nhất của huyện miền núi vùng cao, biên giới cách thành phố khoảng 80km với những cung đường núi dốc quanh co. Huyện có 10 xã, 31 thôn bản biên giới với trên 70% diện tích là đồi núi, gồm 14 dân tộc chung sống, DTTS chiếm 82%. Chính bởi vậy cùng với “ưu ái” của NHCSXH dồn nguồn vốn cho huyện, việc bám sát kế hoạch phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng từ huyện xuống xã, nâng cao ý thức người dân trong việc vay và sử dụng vốn đã đưa dư nợ tín dụng đến cuối năm 2017 đạt 269 tỷ đồng với 8.537 hộ vay. Chỉ riêng năm 2017, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Bát Xát đạt 88,132 tỷ đồng đã giúp 2.700 hộ nghèo có vốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hiệu ứng từ dòng chảy tín dụng cộng hưởng cùng các chính sách phát triển kinh tế của huyện đã giúp 1.396 hộ thoát nghèo trong năm, giảm 9,15% so với cuối năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 25,5 triệu đồng/năm.

Càng đi, càng thấu hiểu những gian khó của người dân Bát Xát, những yêu thương của cán bộ Ngành ngân hàng cũng như NHCSXH lại càng thêm đong đầy. Cùng với lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm gần đây, bên cạnh những đóng góp của cán bộ NHCSXH trên địa bàn Lào Cai đối với công tác an sinh xã hội, trợ giúp đồng bào mỗi khi thiên tai, 4 năm trở lại đây các đoàn viên công đoàn NHCSXH đã cùng với NHTW 5 lần trao quà và quà Tết cho đồng bào các dân tộc để không còn người dân nào không được đón Tết vì thiếu thốn. Và như Giám đốc NHCSXH huyện Bát Xát Lê Xuân Thọ cho biết, từ đầu năm đến nay đã dồn vốn cho các xã đặc biệt khó khăn với tăng trưởng tín dụng trên 15% trong khi tăng trưởng chung của huyện là 5% cho thấy sự quan tâm, nỗ lực của NHCSXH đưa vốn đến với người nghèo phát triển kinh tế. Cùng với đó là nguồn vốn ngân sách địa phương không chỉ chuyển sang ủy thác NHCSXH cho vay mà cùng với đó là chính quyền địa phương đang nỗ lực lồng ghép các dự án chuyển đổi cây trồng giá trị gia tăng cao như rau đậu, tỏi…

Cùng với con đường mới mà huyện đang mở nối gần hơn các xã khó khăn vùng biên với thị trấn Bát Xát cũng như con đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, kinh tế hàng hóa đang ngày một lan tỏa trên mảnh đất này. Hướng đi sản xuất nông sản và cây dược liệu giá trị gia tăng cao, hướng tới xuất khẩu sẽ là điểm tựa để người dân Bát Xát bước qua cái nghèo bền vững, bám đất bám rừng, chung tay bảo vệ từng tấc đất biên cương lãnh thổ.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Các tin bài khác