“Vốn mồi” khơi dậy ý chí thoát nghèo
Ngôi nhà của gia đình chị Sin Thị Thu, người Nùng ở thôn Sí Chải A, xã Na Hối, huyện Bắc Hà nằm giữa vườn mận trĩu quả. Chẳng phải mang bán đâu xa, vườn mận của chị đã được bao thầu từ khi xanh trái. Kể cả khi dưới xuôi, mận chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg thì ở giá bán tại vườn của chị từ 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy quả to nhỏ. Không chỉ có vườn mận trong khuôn viên nhà 1.800m², chị còn có một khu vườn mận tam hoa khác khoảng 2.500m², giúp chị mỗi năm có thu nhập bình quân 50 triệu đồng. Hai khu vườn này, chị bảo nếu sang nhượng rẻ cũng được 2 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu của chị với việc nuôi 3 con lợn nái, 50 con gà mái đẻ mỗi tháng cho thu nhập bình quân 2 triệu đồng tiền trứng…
Ít ai biết rằng những tài sản này được tích lũy từ đôi bàn tay chịu thương chịu khó của vợ chồng chị cùng nguồn vốn vay khởi đầu 3 triệu đồng từ chương trình phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTG ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Không có nguồn vốn ấy, chị cũng chẳng biết mình bây giờ sẽ ra sao.
Chị lấy chồng quê Hưng Yên khi chị vừa sang tuổi 23, hai vợ chồng không một tấc đất cắm dùi. Cuộc sống trông cậy vào làm thuê làm mướn, hơn 10 năm cũng chỉ giúp vợ chồng chị cất ngôi nhà nhỏ che mưa, che nắng. Thêm hai đứa con cuộc sống càng thêm khó khăn. Chính bởi vậy, khi được vay nguồn vốn này không phải trả lãi chị quyết định tập trung nuôi con lợn con gà phát triến kinh tế. Nguồn thu từ chăn nuôi giúp chị có chút tích lũy và trả nợ ngân hàng, song để bước qua cái nghèo còn xa. Chính vì vậy, thêm một lần được bình xét vay vốn hộ nghèo, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng mua con trâu nái. Tích lũy từ nuôi trâu và lợn gà, giúp chị bước qua cái nghèo năm 2013 trả nợ ngân hàng và mua được khu vườn mận trước cửa nhà.
Năm 2014, kinh tế gia đình chị có thêm điểm tựa phát triển bền vững hơn với việc được vay 50 triệu đồng vốn hộ cận nghèo. Thêm 12 triệu đồng vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chị đầu tư chuồng trại tăng đàn nuôi lợn nái lên 7 con. Kinh tế khấm khá dần, chị có thêm điều kiện nuôi 2 con ăn học. Lúc khó khăn, chị được NHCSXH hỗ trợ cho vay vốn HSSV có hoàn cảnh khó khăn kịp thời. Dù chỉ 4 triệu đồng song cũng giúp chị trang trải cho con một kỳ học lúc thiếu thốn. Giờ một cháu đã là giáo viên tiểu học trên TP Lào Cai, còn một cháu đang chờ việc. Những đồng tiền tích lũy được từ chăn nuôi, trồng mận giúp chị mua thêm 2.500m² vườn mận và dù chưa tới hạn trả nợ, song giờ đây, kinh tế gia đình chị đã vững chãi.
Những cuộc sống đổi thay như chị Thu ở Bắc Hà không khó kiếm. Với 266 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt và khá, dòng vốn tín dụng đã phủ trên 21 xã, thị trấn trong đó có 17/20 xã thuộc vùng khó khăn, với 14 dân tộc sinh sống không tập trung tại 214 thôn, bản, trong đó DTTS chiếm 81,4% trong tổng dân số toàn huyện gần 63 nghìn nhân khẩu tương đương với hơn 13 nghìn hộ. Trong 15 chương trình tín dụng đang triển khai, ngoài các chương trình đặc thù cho đồng bào DTTS, các chính sách tin dụng đã chạm từng nhu cầu đời sống từ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho đến các chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Để rồi nhìn lại từ toàn cảnh bức tranh đời sống xã hội, kinh tế của huyện lại càng thấy độ phủ vừa sâu vừa rộng của tín dụng chính sách. Theo kết quả điều tra năm 2017, toàn huyện có hơn 5 nghìn hộ nghèo chiếm 38%; hộ cận nghèo chiếm 6,5%. Năm 2018, đánh dấu bước chuyến mới trong chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS. Tiếp nối những thành quả chính sách cho vay đồng bào dân tộc thiểu số theo các Quyết định 32/QĐ-TTg; Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg; Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định 755/QĐ-TTg Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 2085/QĐ-TTg với việc hợp thành một chính sách cho vay áp dụng chung cho đồng bào DTTS trên cả nước giai đoạn 2016 - 2020. Không chỉ tiếp nối các chính sách tín dụng đặc thù cho các khu vực khó khăn, Quyết định 2085/QĐ-TTg này đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của các chính sách cho vay trước đây. Đối tượng được thụ hưởng chính sách mở rộng thêm với hộ người kinh ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Mức cho vay tối đa của chương trình này nâng lên bằng mức cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ nghèo (hiện nay là 50 triệu đồng/hộ). Thời hạn cho vay tối đa của chương trình này lên 10 năm. Đặc biệt là chính sách mới này đã gắn chặt vốn tín dụng chính sách với phương án SXKD của hộ vay và hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của đồng bào DTTS, tiếp thêm động lực thúc đẩy thoát nghèo bền vững.
Đến thăm nhà ông Ma Seo Áo 57 tuổi thôn Bản Phố 2b, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà càng thêm thấm những giá trị của các chương trình tín dụng đặc thù. Nhà 2 con bị bại não, hai vợ chồng ông dù có chăm chỉ, trước đây một năm ông phải ăn đong đôi ba tháng. Chính vì vậy, được bà con bình xét và NHCSXH cho vay 50 triệu đồng năm 2016, cùng với nguồn tiết kiệm và vay mượn được 75 triệu đồng, ông đầu tư nuôi trâu, xây chuồng trại nuôi chục con lợn. Mới đây, ông Áo thêm vui khi ông là một trong những gia đình đầu tiên được tiếp cận vốn vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg. Với mọi người khoản chênh lệch lãi suất giữa hai chương trình hộ nghèo và Quyết định 2085/QĐ-TTg không lớn, song với ông Áo việc trả lại khoản vay hộ nghèo để vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg không chỉ giảm gánh nặng cho ông về chi phí sử dụng vốn mà giúp ông có thêm nguồn tích lũy cho hai đứa con sau này khi ông bà về già.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế huyện, đến năm 2020, Bắc Hà đặt mục tiêu tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 31,2 triệu đồng/người, 6 xã về đích nông thôn mới. Bên cạnh trụ cột chính mà huyện đang muốn dịch chuyển về là du lịch, nông nghiệp vẫn là một trong ba trụ cột phát triến kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. “Cao nguyên trắng” với cây mận một thời là cây chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả giờ có thêm nhiều gam màu mới với những cây lương thực đặc sản như Sèng Cù, Nậm Xít… cây dược liệu (đương quy, Atiso…) cây quế, rau an toàn cùng hướng đi chăn nuôi với các giống lợn bản địa. Trong dòng chảy ấy, nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua NHCSXH huyện Bắc Hà vẫn là điểm tựa chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Riêng với đồng bào các DTTS, việc có thêm nhiều nguồn vốn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg sẽ gia tăng đẩy nhanh hơn tiến trình và quy mô phát triển kinh tế đang nhen lên trong mỗi bản làng cùng các động lực hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể…
Bài và ảnh Minh Ngọc
Các tin bài khác
- » Hội nghị tập huấn quản lý hành chính bằng phần mềm điện tử
- » Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân Cần Thơ
- » Vốn chính sách giúp người nghèo Trà Vinh vững bước
- » Giải pháp thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi ở Gia Lai
- » Vốn ưu đãi về xứ biển, nhiều nông dân đổi vận
- » Vun góp những giấc mơ thoát nghèo
- » Về nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
- » Đưa nguồn vốn ưu đãi ở Đồng Tháp đến gần dân
- » Giữ “lửa” nghề gốm Gọ
- » Kết nối những cặp lá yêu thương ở Vĩnh Long