Sơn Hà bước ra từ huyện nghèo

09/07/2018
(VBSP News) Trong danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) là một trong 8 huyện của 6 tỉnh trong cả nước ra khỏi nhóm huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020.
Untitled-1

Nông dân xã Sơn Linh vay vốn ưu đãi trồng keo

Điều đáng chú ý, trong danh sách huyện nghèo của cả nước vẫn còn tới 56 huyện nghèo và mới nhất có tới 29 huyện, thuộc 18 tỉnh được xét bổ sung vào danh sách huyện nghèo, giai đoạn 2018 - 2020. Trong bối cảnh số địa phương được phê duyệt thoát khỏi huyện nghèo còn ít, mà số huyện “bước vào” huyện nghèo càng tăng lên, thì việc Sơn Hà nằm trong nhóm ra khỏi huyện nghèo trong giai đoạn này là rất đáng biểu dương.

Để thực hiện mục tiêu này, Sơn Hà đã có những cách làm rất hiệu quả tận dụng tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH. Ông Phạm Đồng Tánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hà cho biết, 4 tổ chức hội, đoàn thể trong huyện đều tích cực và có trách nhiệm nhận nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH. Riêng Hội Nông dân có tổng dư nợ đạt trên 111 tỷ đồng với hơn 115 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 3 nghìn hộ vay ở 14/14 xã, thị trấn. Hầu hết hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Đối với xã Sơn Linh có gần 90% hộ đồng bào dân tộc Hrê, từ thực tế những năm qua rút ra kết luận: vay vốn tín dụng chính sách trồng keo, chăn nuôi trâu bò… nông dân xóa được nghèo, bộ mặt của xã cũng thay đổi nhiều. Đặc biệt, từ nguồn vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên nông dân trong huyện xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân địa phương; nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Điển hình như các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, trồng keo, chăn nuôi lợn, kinh doanh vận tải cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Từ năm 2011 đến nay, từ hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, huyện đã hỗ trợ gần 1.700 con bò với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Trong đó có 80% số bò được hỗ trợ thực hiện theo hình thức đối ứng. Tóm lại, phương thức hỗ trợ dần thay đổi theo hướng tăng cường hỗ trợ người nghèo, cận nghèo đã đạt nhiều hiệu quả trong sản xuất và giảm nhanh số hộ nghèo trên địa bàn (bình quân 5%/năm). Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020, cuối năm 2017, huyện Sơn Hà còn hơn 6.400 hộ nghèo, chiếm 30,15% số hộ toàn huyện (thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện miền núi hiện nay là 36,39%). Đây là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực lớn trong công tác giảm nghèo, là cơ sở, động lực quan trọng để huyện tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo, giai đoạn 2018 - 2020. Và trong năm 2018, Sơn Hà đặt mục tiêu giảm hơn 1.000 hộ nghèo (giảm thêm 5,47% hộ nghèo).

Ông Phùng Tô Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, bộc bạch: “Chuyện xóa nghèo cho đồng bào Sơn Hà không phải bây giờ mới đặt ra. Lâu nay, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án, nhưng hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững. Do đó, nhiều hộ đã thoát được nghèo nhưng vẫn liên tục tái nghèo. Gần đây, huyện có nhiều giải pháp mở hướng xóa nghèo bền vững cho người dân. Một trong những cách làm hay, thiết thực, đó là cho “dân mình cái cần câu” để phát triển sản xuất…”.

Hiện nay, huyện chủ trương xã hội hóa chương trình hỗ trợ người nghèo thông qua huy động vốn trong dân và vốn đối ứng của Nhà nước, tín dụng chính sách để hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất. Chẳng hạn, khi được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng để mua bò thì hộ nghèo phải bỏ thêm 10 triệu đồng để mua giống bò lớn hơn và trồng cỏ, làm chuồng nuôi bò. Cách làm này đã gắn trách nhiệm của hộ nghèo với đồng vốn bỏ ra, cho nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt rất có hiệu quả. “Mục tiêu này trở thành hiện thực hay không, có phần đóng góp rất lớn của NHCSXH”, Phó Chủ tịch huyện Sơn Hà Phùng Tô Long khẳng định.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác