Điểm tựa của người dân vùng sâu

10/07/2018
(VBSP News) Với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cùng việc xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, những năm qua, NHCSXH huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đã thực hiện tốt vai trò trong việc đưa vốn chính sách đến người dân kịp thời.
BP

Bà Đỗ Thị Hải ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập chăm sóc 2 con bò từ vốn vay NHCSXH

Cùng người nghèo vượt khó

Dáng người nhỏ thó, đôi tay thoăn thoắt cắt và chất cỏ lên xe đẩy đến máng thức ăn đã có sẵn 2 con bò đứng đợi, xong xuôi, bà Đỗ Thị Hải ở xã Đức Hạnh lại quay sang chăm sóc vườn cà phê đang bắt đầu cho trái bói. Đều đặn mỗi ngày, buổi sáng của bà đều bắt đầu như thế. Nhìn công việc bận rộn, không ai nghĩ gia đình bà từng trải qua những chuỗi ngày khó khăn, không có việc làm.

Là hộ khó khăn, thiếu vốn làm ăn nên khi biết đến nguồn vốn chính sách, gia đình bà Hải đã 3 lần đi vay từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Bù Gia Mập. Mỗi đợt vay được sử dụng cho một mục đích khác nhau nhưng đều mang lại hiệu quả nhất định, giúp cuộc sống gia đình bà đổi thay tích cực. “Lần đầu tiên tôi vay được 15 triệu đồng để mua bò về nuôi. Sau đó, bò lớn và đẻ con tôi bán lấy tiền trả hết số nợ ngân hàng, giờ vẫn còn “lãi” 2 con bò trong chuồng. Lần thứ hai, tôi vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vừa rồi tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng đầu tư chăm sóc cây cà phê. Vườn cà phê đang cho trái bói hứa hẹn mùa thu hoạch ở vụ sau”, bà Hải nói.

Chương trình tín dụng cho vay ưu đãi hộ nghèo là một trong 2 chương trình có dư nợ cao nhất của NHCSXH huyện Bù Gia Mập, trên 62 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Anh Trần Văn Chung ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh, hồ hởi nói: “Tiền vay NHCSXH tôi dùng đầu tư bón phân cho cao su nên chất lượng mủ cao hơn, thu nhập cũng khá. Tôi vẫn muốn tiếp tục được vay những chương trình tín dụng khác để có điều kiện chăm sóc cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Người nông dân nhiều lúc khó khăn, xoay xở 15, 20 triệu đồng đâu phải chuyện dễ dàng nên có vốn chính sách đã mang lại nhiều thuận lợi”.

Điểm tựa tin cậy

Ưu điểm giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận vốn chính sách là thủ tục đơn giản, nhanh gọn và cho vay theo hình thức tín chấp mà không cần có tài sản thế chấp. Hơn nữa, NHCSXH luôn tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận nguồn vốn; hoạt động ủy thác thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ chức hội, đoàn thể với mạng lưới Điểm giao dịch lưu động tại các xã. Người dân chỉ cần đến UBND xã để giao dịch, nhận vốn vay.

Theo thống kê, đến nay, tổng dư nợ của 15 chương trình tín dụng ưu đãi tại NHCSXH huyện Bù Gia Mập đạt trên 347 tỷ đồng. Trong đó, 2 chương trình tín dụng dư nợ cao là cho vay hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ông Điểu Tuồng - Trưởng thôn Phú Sơn, xã Đức Hạnh, cho biết: “Trước đây đồng bào ăn ở tạm bợ, chỗ tắm giặt không hợp vệ sinh. Giờ nhà nào cũng được vay vốn chính sách để xây dựng nhà tắm, bồn nước sạch sẽ”.

Nhờ biết chú trọng chất lượng của hoạt động tín dụng nên phần lớn các hộ vay vốn đã có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức trong sử dụng đồng vốn đầu tư vào SXKD và ý thức vay - trả khi đến hạn. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,24%, giảm nhiều so với những năm trước. Anh Trần Văn Quang - Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH huyện Bù Gia Mập cho biết: “Chủ tịch UBND xã hiện là thành viên của HĐQT NHCSXH huyện. Hằng tháng, đều tham gia họp giao ban với ngân hàng để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, ngân hàng cũng nhận được sự chung tay vào cuộc của hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn nên chất lượng tín dụng nâng lên rõ rệt”.

Để tiếp tục đưa nguồn vốn chính sách đến người dân, thời gian tới, NHCSXH huyện Bù Gia Mập sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm nguồn vốn luân chuyển ổn định và tăng trưởng, làm điểm tựa tài chính cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi. Việc thực hiện có hiệu quả chính sách này của NHCSXH sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, đồng thời góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Theo Hạ Băng Báo Bình Phước

Các tin bài khác