Thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách

09/07/2018
(VBSP News) Thời gian qua, thực hiện các chương trình chính sách tín dụng dành cho hộ nghèo tiến đến giảm nghèo bền vững theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, nhiều nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh Kon Tum đã đến với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa. Qua đó, giúp bà con tránh được tình trạng vay “nóng”, hay bị tư thương ép giá bán “lúa, mì non”; tạo cơ hội cho hộ nghèo tham gia các chương trình dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, tiến đến xóa nghèo bền vững.
KT

Chị Đông chăm sóc đàn bò có được nhờ vốn vay NHCSXH

Thoát cảnh vay nóng

Năm 2012, vợ chồng anh Trần Ngọc Hoa từ tỉnh Quảng Ngãi đến thôn 4, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô làm thuê kiếm sống. Gia đình anh Hoa thuộc diện nghèo nhất thôn 4, với “3 không”: không có đất ở, không đất nông nghiệp và không có nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. Quá khó khăn, vợ chồng anh đành vay nóng 50 triệu đồng, với lãi suất 30%/tháng để làm căn nhà ngang 50m2, trên đất mượn của người thân ở thôn 4.

“Qua hàng xóm, tui mới biết vợ chồng anh Hoa trót dại vay nóng 50 triệu đồng xây nhà, mà lãi suất quá cao. Nhưng vợ chồng này vẫn chịu khổ giỏi, khi mỗi ngày đi cạo thuê mủ cao su 1 buổi, thời gian còn lại tranh thủ đi làm rẫy thuê khác. Hai đứa làm quần quật chỉ để kiếm tiền, gom trả lãi 4,5 triệu đồng/tháng cho chủ nợ cho vay 50 triệu đồng kia”, ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng thôn 4 nói về hoàn cảnh gia đình anh Hoa trước năm 2014.

Theo ông Quang, năm đó, thấy cuộc sống cơ cực của vợ chồng anh Hoa, thôn đã xét duyệt thuộc diện hộ nghèo, tạo điều kiện vay vốn 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Đắk Tô. Tiền vay vốn này, vợ chồng anh Hoa mua 2 con bò mẹ đang có mang, với định hướng phát triển đàn gia súc, tiến tới cải thiện cuộc sống gia đình.  Có bò chăn nuôi, buổi sáng, chị Đông - vợ anh Hoa lùa bò ra đồng cỏ gần nơi làm rẫy chăn thả, chiều đưa về. Gia đình còn dựng chuồng làm nơi tránh mưa gió, bệnh tật cho đàn bò. Việc tiêm phòng, cho ăn hàng ngày của gia súc, vợ chồng chị chăm khá kỹ. Qua quan sát, dọc máng cỏ, chủ nhà đều treo vài chiếc can nhựa chọc thủng có nước uống hòa với muối ăn (theo tỷ lệ nhất định) nhỏ gọt thường xuyên xuống thức ăn, nhằm khích thích cho con vật ăn ngon miệng, phát triển tích cực. Hằng năm, gia đình còn theo dõi lịch tiêm phòng đủ liều cho bò mẹ.

Từ năm 2014 đến 2016, đàn bò của gia đình phát triển lên 6 con. Anh Hoa bán bớt 3 con, thêm tiền dành dụm, trả hết tiền vay nóng bên ngoài. Anh còn chia sẻ, vợ chồng chịu khó đi làm phụ hồ, làm thuê rẫy cho các hộ dân khác ở xã Tân Cảnh, khi hết mùa cạo mủ cao su. Nhờ chăm chỉ làm lụng, cuối năm 2016, gia đình trả nợ hết hạn vay vốn tại NHCSXH huyện Đăk Tô theo đúng thời gian quy định.

Năm 2017 đến nay, anh vay mới thêm 50 triệu đồng nguồn vốn hộ gia đình SXKD vùng khó khăn tại NHCSXH huyện Đắk Tô, cộng nguồn vay của người thân mua thêm rẫy vườn và trồng 0,6ha cà phê và 0,5ha cao su. “Cuộc sống khó khăn ban đầu đã qua, vợ chồng tôi giờ có nhà ở, đất sản xuất. Hiện tại, chỉ mong có sức khỏe phát triển kinh tế ngày càng ổn định hơn”, anh Hoa nói.

Còn anh A Trur ở thôn Kon Tu I, xã Đắk Blà, TP Kon Tum cho biết, từ năm 2005 - 2008, gia đình rơi vào cảnh vay nợ phải bán “mì non” cho tư thương.

Anh Trur kể: Gia đình thuộc diện hộ nghèo với 5 đứa con nhỏ. Hai vợ chồng khai hoang hơn 2,7ha rẫy. Tôi muốn trồng cây mì, nhưng gia đình không có tiền mua cây giống. Các con còn nhỏ, tôi cũng không có tiền lo cho ăn uống, học hành đầy đủ. Tôi đã lấy rẫy mì để cầm cố 20 triệu đồng từ chủ hàng chuyên thu mua nông sản ở TP Kon Tum. Có khoản tiền này, tôi dùng mua mì giống, trang trải ăn uống trong gia đình. Đến tầm mùa thu hoạch mì, chủ nợ thường xuống rẫy của tôi định giá, ép bán sản phẩm củ mì, so với thị trường bị thiệt 7 triệu đồng/2,7ha; cộng thêm tiền lãi 10 triệu đồng vay 20 triệu tiền gốc trước đó. Đến khi thu hoạch xong rẫy mì được khoảng 45 triệu đồng, thì nợ nần bị trừ còn lại vài triệu đồng.

Theo anh Trur, hai vợ chồng làm mãi vẫn không tích lũy được đồng vốn nào. Đến năm 2009, anh được NHCSXH tỉnh tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo để phát triển sản xuất. Nguồn vốn này, vợ chồng mua mì giống, phân bón phục vụ trồng mới 2,7ha mì.

Đến năm 2011, anh Trur trả hết nợ cũ gần 30 triệu đồng. Sau đó, anh tiếp tục được xét duyệt vay mới 50 triệu đồng, và thêm tiền của gia đình, mua mới 2ha đất nông nghiệp.

“Nhờ những đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, gần 7 năm qua, gia đình tôi có đất canh tác ổn định trồng 4,7ha cao su. Hiện tại, vườn cao su bắt đầu cho thu hoạch, các con được chăm lo học hành tốt hơn”, anh Trur nói.

Tăng tín dụng chính sách về nông thôn

Ông Trịnh Lê Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blà, TP Kon Tum đánh giá, gia đình anh A Trur là một trong nhiều hộ nghèo được tiếp cận chính sách tín dụng và phát huy nguồn vốn vay tốt. Đến nay, tình trạng người dân nghèo vay “nóng”, bị ép bán lúa, mì “non” không còn nữa. Trên địa bàn xã có 801 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, với tổng dư nợ gần 21 tỷ đồng.

Ông A Chiến - Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô cho biết, từ năm 2005 đến nay, người dân địa phương tập trung cho chuyển đổi cây trồng. Đáng chú ý, bà con phát triển cây công nghiệp dài ngày tăng gần 500%, với tổng diện tích khoảng 1.900ha; trong đó, diện tích cây cao su 1.298ha, còn lại cây cà phê.

Đến nay, NHCSXH tỉnh Kon Tum quản lý 18 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 2.222 tỷ đồng, với tổng số 12.827 lượt khách hàng vay, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm khoảng 0,35%. Riêng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2018 là 362 tỷ đồng, trong đó khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH.

Theo Mai Trâm Báo Kon Tum

Các tin bài khác