Mang vốn đến cho đồng bào vùng cao
Quảng Ngãi hiện có tới 6 huyện nghèo miền núi với đa số người dân là đồng bào DTTS, nhận thức còn thấp, đời sống kinh tế khó khăn. Những năm trước đây, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều tiểu thương đã tìm về tận thôn, làng nằm trong các vùng dự án mời gọi, lôi kéo để cho người dân vay vốn lãi suất cao. Vì vậy, nhiều hộ dân đã trở thành con nợ “bất đắc dĩ” của nạn cho vay nặng lãi. Điển hình là người dân nằm trong vùng dự án hồ chứa nước Nước Trong, huyện Tây Trà và công trình thủy điện Đakring thuộc huyện Sơn Tây. Theo đó, hàng chục hộ dân dù nhận được tiền đền bù lớn lên đến hàng tỷ đồng nhưng cuối cùng vẫn không còn đồng nào vì các chủ nợ đã lấy hết. Không còn đất cũng không còn tiền, nhiều hộ đã trở nên nghèo hơn trước.
Trước thực tế trên, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời chỉ đạo các NHCSXH tại các huyện miền núi phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân vay vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Để giúp người nghèo vùng cao tiếp cận vốn chính sách, giảm chi phí đi lại, NHCSXH đã tổ chức giao dịch tại xã vào ngày cố định hằng tháng. Với phương thức, mô hình hoạt động triển khai rộng khắp, thông qua ủy thác hội, đoàn thể, thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, làng, vùng sâu, vùng xa và hải đảo… đã tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi tại các vùng cao.
Anh Hồ Văn Sâm, một trong những hộ điển hình trong vay vốn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi bò vươn lên thoát nghèo ở khu tái định cư Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà chia sẻ: “Vì nhường đất cho dự án nên khi tôi về nơi ở mới không có đất để làm ăn, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã và cán bộ ngân hàng nên tôi đã vay 20 triệu đồng từ NHCSXH để mua đất, mua giống trồng keo, mua bò về nuôi. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình tôi đã thoát được nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng”.
Nhận thấy vay vốn chính sách làm ăn có hiệu quả, năm 2017, anh Sâm tiếp tục vay 40 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo để tái đầu tư sản xuất. Đến nay, anh Sâm đã sở hữu được 8ha keo cùng 4 con bò, 1 con trâu. Đây là kết quả của đồng vốn chính sách cùng sự nỗ lực của chính người vay, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nơi vùng cao này.
Không riêng gì anh Sâm mà đến thời điểm này, nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã tới tay tất cả các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có nhu cầu về vốn. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ Hồ Thị Hồng Nga: “Những năm qua, nguồn vốn chính sách đến với người dân rất kịp thời và phát huy hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, mấy năm nay, nhận thức của người dân đã dần được nâng lên, họ không còn vay vốn lãi suất cao, “thị trường đen” của các con buôn nữa mà chỉ vay vốn chính thống của Chính phủ qua NHCSXH để chí thú làm ăn. Sau khi vay vốn, người dân đã sử dụng đúng mục đích, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương”.
Có lợi thế về đất đai nhiều nhưng làm lụng quần quật quanh năm cuộc sống gia đình anh Đinh Văn Hòa, ngụ thôn Hà Thành, xã Sơn Thành, huyện miền núi Sơn Hà vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo vì không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2013, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, anh Hòa đã được tiếp cận với nguồn vốn chính sách. Từ số tiền 30 triệu đồng vay được, anh Hòa mua giống trồng 1,5ha keo và hơn 10 sào mía; đồng thời mua thêm bò về nuôi. Vượt qua khó khăn ban đầu, cuộc sống gia đình anh Hòa đã bắt đầu làm ăn có dư.
Nhận thấy nhu cầu của người dân địa phương cần máy cày ruộng nên năm 2016, anh Hòa bán hết bò trong chuồng, lấy tiền đầu tư mua chiếc máy cày 32 triệu đồng. Qua hai vụ băm ruộng, sau khi trừ đi chi phí, anh cũng thu lãi được 20 triệu đồng. Đến nay, với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm thu nhập bình quân của anh Hòa đã đạt hơn 60 triệu đồng. Từ những nỗ lực trên, năm 2017, gia đình anh Hòa đã được đưa ra khỏi diện hộ nghèo.
Với phương châm đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, hơn 15 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã đến với cộng đồng và được người nghèo tiếp cận một cách nghiêm túc bằng những mô hình phát triển kinh tế cụ thể mang lại hiệu quả đáng khích lệ.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng của NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đạt trên 2.985 tỷ đồng, tăng 204 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng 2,8%. Doanh số cho vay quý I/2018 đạt 216 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến nay đạt 2.980 tỷ đồng, đạt 96,5% so với kế hoạch năm, tăng so với cùng kỳ năm 2017 là 201 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trường dư nợ 2,9%.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi Trần Duy Cường cho biết: “Quảng Ngãi có 85 xã miền núi, 19 xã bãi ngang ven biển, 50 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 47 thôn đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 nên đời sống kinh tế của nhân dân còn khó khăn. Do đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi sẽ luôn bám sát mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế của địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về các chính sách tín dụng ưu đãi; ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ thoát nghèo còn cao, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Mặt khác, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại Điểm giao dịch xã; đặc biệt chất lượng tín dụng, thường xuyên củng cố kiện toàn mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, làng. Qua đó, lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, để đầu tư nguồn vốn đạt hiệu quả; góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.
Bên cạnh việc cho vay, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi còn tuyên truyền cho bà con gửi tiết kiệm tại ngân hàng thông qua các buổi giao dịch tại xã, tạo tính tiết kiệm cho người dân, nhất là các xã miền núi có tiền đền bù từ dự án, tránh các trường hợp người dân tiêu dùng không đúng mục đích, trở thành con nợ của các con buôn, thương lái như trước đây. Chính sự kịp thời và gần dân này, đến nay NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã huy động được tiền gửi tiết kiệm 328 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng so với đầu năm.
Bài và ảnh Hoa Lê
Các tin bài khác
- » Người K’ho thoát nghèo
- » Nữ Tổ trưởng hết mình vì công việc
- » Người ăn cơm nhà, vác tù và
- » Điểm tựa của người dân vùng sâu
- » Những “cầu nối” giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
- » Thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách
- » Sơn Hà bước ra từ huyện nghèo
- » “Vốn mồi” khơi dậy ý chí thoát nghèo
- » Hội nghị tập huấn quản lý hành chính bằng phần mềm điện tử
- » Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân Cần Thơ