Người K’ho thoát nghèo
Chỉ cần có quyết tâm
Giữa cái nắng trưa khô khốc của huyện miền núi Tánh Linh, những ngón tay nhanh thoăn thoắt của các chị em K’ho vẫn không ngừng lướt trên những sợi mây chằng chịt. Động tác nhanh và thuần thục tới nỗi, không ai có thể định hình đường đi của dây mây. Chị Hoàng Thị Hà, phụ trách tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ mây, lục bình của xã Măng Tố đon đả chào đón chúng tôi và vội phân bua: “Bọn mình đang cố hoàn thành lô hàng để còn kịp xuất đi TP Hồ Chí Minh…”.
Nhìn cả núi sản phẩm, nào bàn, ghế, giỏ xách, giỏ treo tường xếp tràn ra tận cửa, sẵn sàng xuất xưởng mới thấy, người phụ nữ K’ho Hoàng Thị Hà tháo vát thế nào. Đặc biệt, trong bối cảnh mặt hàng thủ công mỹ nghệ này đang phải cạnh tranh khốc liệt thì việc liên tục có các đơn đặt hàng là chuyện không dễ, nhất là khi, chúng được sản xuất ở nơi xa trung tâm như Tánh Linh.
Dường như hiểu được điều chúng tôi băn khoăn, chị Hà chia sẻ, ban đầu chị chỉ đơn thuần là “mê” những mối đan khi vuông, khi chéo của những sản phẩm thủ công mây, lục bình; rồi năm 2010, một công ty ở TP Hồ Chí Minh về Tánh Linh tuyển sinh dạy nghề và đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ này, chị Hà đã đăng ký theo học. Tuy nhiên, không dưới hai lần chị Hà suýt bỏ cuộc vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. “Tiền ăn không đủ, chứ đừng nói đến tiền học, tiền trọ và đủ thứ phải lo”, chị Hà nói.
Cuối cùng, chị Hà cũng hoàn thành khóa học về kỹ năng đan lát; tiếp cận với cách làm hiện đại, nhưng khi về nhà chị phải đối mặt với nguồn vốn đầu tư. Rất may lúc đó, với sự ủng hộ của Hội Phụ nữ xã, chị Hà được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn của NHCSXH và bắt đầu khởi nghiệp. Vốn ít, người làm cũng ít, chị Hà chỉ dám đầu tư nhỏ. Tuy nhiên, các đơn hàng cứ liên tục chảy về khiến chị Hà phải nghĩ ngay tới việc mở rộng quy mô sản xuất. Vì thế, chị Hà đã đến vận động, truyền đạt lại kiến thức cho chị em phụ nữ K’ho trong xã, nói với họ hãy thay đổi cách nghĩ, cách làm để cùng nhau làm ăn, ổn định cuộc sống. Mới đầu, chỉ chục hộ rồi cứ nhân lên dần, đến nay, cơ sở sản xuất của chị Hà thường xuyên có 30 nhân công làm việc. Vào lúc cao điểm, con số này tăng lên gấp đôi.
Với sự nhạy bén và óc thẩm mỹ trong việc gia công sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu, chị Hà đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của công ty thu mua. Cứ thế, uy tín của tổ sản xuất mỗi ngày một lớn, việc làm ăn ngày một hiệu quả, chị Hà được NHCSXH huyện Tánh Linh cho vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Có vốn, chị mở rộng dạy nghề cho bà con và phát triển gia công các mặt hàng mỹ nghệ như kệ để sách báo, sản phẩm cho văn phòng, khách sạn. Công việc gia công sản phẩm cho phép người làm có thể tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh rỗi, nên nhiều chị em K’ho hay dành làm thêm ngoài giờ vào ban trưa hoặc buổi tối sau khi xong việc nương rẫy, đồng áng. “Sau tất cả, tôi nhận ra rằng, nếu mình quyết tâm thay đổi, chắc chắn cuộc sống sẽ thay đổi”, chị Hà khẳng định.
Lan tỏa tới cộng đồng
Đến Măng Tố, không khó để nhận ra sự ngưỡng mộ của bà con đồng bào các DTTS đối với chị Hà. Bởi lẽ, cùng xuất phát điểm như nhau nhưng người phụ nữ K’ho này đã vươn lên, trở thành hộ khá giả trong vùng; trở thành tấm gương sáng khi giúp vài chục hộ có việc làm ổn định, thu nhập khá. Quan trọng hơn, chị Hà đã thay đổi được thói quen sản xuất lạc hậu, tồn tại nhiều đời nay của người K’ho; giúp họ chủ động trong sản xuất và sinh hoạt để không phải cùng quẫn vì tín dụng đen.
Theo Chủ tịch UBND xã Măng Tố Bùi Phương Hùng, Măng Tố là xã thuần đồng bào DTTS, mặc dù được Nhà nước đầu tư về dân sinh, kinh tế nhưng do trình độ dân trí nên nhiều hộ vẫn còn khó khăn. Bên cạnh đó, tập quán lạc hậu, không biết tích lũy nên cứ vào đầu vụ sản xuất, bà con phải ứng trước tiền của tư thương mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống để canh tác. Do vậy đến khi thu hoạch, phải bán lại sản phẩm cho tư thương với mức thấp hơn giá thị trường. Bị thiệt thòi nhưng hệ lụy ấy kéo dài nhiều năm, bà con chưa thoát ra được. Khi chị Hà mở cơ sở đan lát mỹ nghệ mây, lục bình, chị đã cho bà con ứng trước vốn để đầu tư vào sản xuất, giúp bà con yên tâm và ổn định cuộc sống. “Chị Hà đã giải quyết việc làm cho phụ nữ, tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình góp phần vào xây dựng nông thôn mới của xã” - Chủ tịch Bùi Phương Hùng cho hay.
Hiện, với mức thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng (ăn theo sản phẩm), nhiều hộ gia đình K’ho làm cho cơ sở chị Hà đã có “của ăn của để”. Chị Dòng Thị Yển và Nguyễn Thị Thương đã gắn bó với cơ sở của chị Hà 5 năm nay, với mức thu nhập ổn định nên chị Yển đã xây được nhà kiên cố, chị Thương cũng có cuộc sống sung túc hơn.
Chia sẻ về sự phối hợp với NHCSXH trong thực hiện nhận ủy thác vốn, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho biết, với vai trò là mái nhà chung của chị em, Hội Phụ nữ tỉnh xác định, nguồn vốn chính sách là một kênh giảm nghèo hữu hiệu cho chị em. Do đó, Hội luôn tìm cách làm sao để các hội viên khó khăn được tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bởi thế, ở Tánh Linh hay bất cứ nơi đâu trên mảnh đất cực Nam Trung Bộ đều có những tấm gương phụ nữ nghèo, phụ nữ là DTTS đi lên từ vốn chính sách.
“Chính họ, với sự phấn đấu và ý thức vươn lên trong cuộc sống đã làm lan tỏa sức mạnh của những khoản vay chính sách nhỏ bé’’, Chủ tịch Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nói.
Bài và ảnh Thái Bình
Các tin bài khác
- » Nữ Tổ trưởng hết mình vì công việc
- » Người ăn cơm nhà, vác tù và
- » Điểm tựa của người dân vùng sâu
- » Những “cầu nối” giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
- » Thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách
- » Sơn Hà bước ra từ huyện nghèo
- » “Vốn mồi” khơi dậy ý chí thoát nghèo
- » Hội nghị tập huấn quản lý hành chính bằng phần mềm điện tử
- » Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân Cần Thơ
- » Vốn chính sách giúp người nghèo Trà Vinh vững bước