Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”.

20/07/2018
(VBSP News) Sáng ngày 20/7/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với NHCSXH và Trung tâm tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VMFWG) tổ chức Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”. Buổi toạ đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các tổ chức tài chính vi mô về dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động ở Việt Nam nói chung, cho người nghèo và phụ nữ nói riêng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về xu thế và lợi ích dịch vụ ngân hàng số và thảo luận những cơ hội và thách thức trong việc đưa dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đặc biệt là phụ nữ tại Việt Nam.
image001

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm có Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương; ông Hà Hải An - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN; ông Justin Baguley - Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Úc, đại diện Bộ Ngoại giao thương mại Úc (DFAT); ông Michael DiGregorio - Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam; bà Winnie Wong - Trưởng đại diện Master Card khu vực Châu Á Thái Bình Dương và sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành, hội đoàn thể Trung ương, tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, tổ chức tài chính vi mô, các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, các công ty cung ứng dịch vụ tài chính kỹ thuật số và các ban chuyên môn tại Hội sở chính, Trung tâm CNTT NHCSXH.

Toạ đàm được thực hiện trong khuôn khổ dự án hợp tác công tư giữa NHCSXH, Quỹ Châu Á (TAF) và MasterCard về “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia. 

Phát biểu khai mạc, ông Hà Hải An - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN nhấn mạnh: Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng mang lại hiệu quả rất lớn trong việc phổ cập, mở rộng tiếp cận dịch vụ cho người nghèo, đặc biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn chưa có sự hiện diện đầy đủ của hệ thống ngân hàng, chưa đáp ứng được dịch vụ tài chính cơ bản.

Nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngân hàng di động qua đó mang lại trải nghiệm cho khách hàng và mở rộng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi tiện ích thì dịch vụ này cũng mang lại một số nỗi lo như gian lận thương mại, bảo mật, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng… Qua buổi tọa đàm giúp kết nối, chia sẻ thông tin quan điểm đa chiều, giúp cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp để hạn chế rủi ro, thúc đẩy phát triển ngân hàng trên điện thoại di động, tăng tiếp cận ngân hàng cho người nghèo và phụ nữ tại Việt Nam.

image002

Phó Tổng Giám đốc Trần Lan Phương phát biểu tại tọa đàm

Thông tin tại buổi tọa đàm, Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” với mục tiêu lâu dài là tăng cường và cải thiện sự tiếp cận tới các dịch vụ tài chính toàn diện cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp vi mô do phụ nữ điều hành. NHCSXH đã tiến hành thực hiện dự án với các giai đoạn cụ thể sao cho phù hợp và khách hàng dễ thích ứng nhất. Cụ thể: Đến cuối năm 2016, NHCSXH đã triển khai dịch vụ tin nhắn qua điện thọai di động tới khách hàng tại 63 chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Dịch vụ tin nhắn bao gồm: Đối chiếu thông tin dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi, thông báo nợ đến hạn, thông báo chuyển nợ quá hạn đến khách hàng của NHCSXH, giúp khách hàng của NHCSXH thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin kịp thời; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Hiện NHCSXH đã gửi 6.906.611 tin nhắn cho khách hàng NHCSXH trên toàn quốc với tin nhắn gửi đi thành công là 6.904.804 tin nhắn. Trong đó, tin nhắn có nội dung đối chiếu nợ là 4.983.991 tin nhắn, nội dung thông báo nợ đến hạn là 1.904.356 tin nhắn, nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn là 15.073 tin nhắn, nội dung thông báo thay đổi số dư tài khoản là: 3.191 tin nhắn.

Dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động sẽ một trong những công cụ giúp hộ nghèo làm quen với công nghệ số. Đồng thời, giúp NHCSXH thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ số lượng khách hàng ngày càng nhiều hơn.

image003

Thảo luận bàn tròn các đại biểu tham gia tọa đàm đến từ NHNN, Master Card và NHCSXH

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã được nghe các bài tham luận, các nội dung đã tập trung làm sáng tỏ ở nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn, đề ra giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện cho người nghèo và phụ nữ, bao gồm: Tài chính toàn diện và việc cung cấp dịch vụ Ngân hàng di động/tài chính kỹ thuật số, đặc biệt cho người nghèo, phụ nữ và người có thu nhập thấp; Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng dịch vụ Ngân hàng di động, công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu tài chính toàn diện; Ứng dụng công nghệ để thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế cho người thu nhập thấp trong bối cảnh cách mạng 4.0: Một số quan sát và khuyến nghị cho Việt Nam; Kinh nghiệm triển khai dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người người nghèo, phụ nữ và các đối tượng yếu thế ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn thảo luận về khung pháp lý trong việc cung cấp dịch vụ Ngân hàng di động…

Kết thúc tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương nhận định: “Nhiều ý kiến quý báu, hữu ích của các chuyên gia, các nhà quản lý đã đáp ứng mục tiêu chung của tọa đàm là nâng cao nhận thức về xu thế và lợi ích dịch vụ ngân hàng số và thảo luận về những cơ hội và thách thức nhằm thúc đẩy dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo, phụ nữ và các đối tượng chính sách khác tại Việt Nam. NHCSXH mong muốn thông qua đây muốn giới thiệu kinh nghiệm của NHCSXH về việc triển khai dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động cho người nghèo và các đối tượng chính sách; định hướng phát triển nền tảng ngân hàng số trong tương lai. Và đây cũng là dịp để NHCSXH cùng các đơn vị tham gia trao đổi, tiếp nhận thông tin, ý tưởng và chia sẻ kinh nghiệm, mở ra nhiều cơ hội để phát triển dịch vụ ngân hàng điện thoại di động cho người nghèo, phụ nữ và các đối tượng chính sách tại Việt Nam”.

PV thực hiện

Các tin bài khác