Điểm sáng Lộc Bình
Thời gian qua, gia đình ông Lý Văn Yên ở thôn Hua Cầu, xã Đông Quan luôn thực hiện tốt việc trả lãi và gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ông Yên cho biết, năm 2011, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi. Năm 2016, gia đình tôi thoát nghèo và tiếp tục vay 50 triệu đồng để trồng 2ha thông. Vì số tiền vay lớn nên tôi lo không đủ khả năng trả lãi, nhưng nhờ gửi tiết kiệm 30 nghìn đồng/tháng, tôi tích góp được một số tiền để những tháng khó khăn có tiền trả lãi, tạo thuận lợi trong việc trả nợ mỗi khi đến hạn.
Không chỉ gia đình ông Yên, với ý thức dành dụm và tích lũy, 54 tổ viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hua Cầu, xã Đông Quan cũng tham gia hình thức này với tổng số tiền gửi hơn 28 triệu đồng. Bà Vi Thị Thân - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hua Cầu cho biết: Khi có chủ trương nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ đã bàn bạc, thống nhất và triển khai đến các tổ viên tham gia gửi tiết kiệm tùy vào điều kiện gia đình. Hằng tháng, tất cả các tổ viên đều gửi tiết kiệm qua tổ là 30 nghìn đồng/tổ viên. Với số tiền tiết kiệm trên, trường hợp tổ viên gặp khó khăn trong trả nợ gốc, lãi ngân hàng thì tổ sẽ sử dụng nguồn vốn tiết kiệm để giúp tổ viên trả nợ, từng bước giải quyết khó khăn.
Năm 2009, NHCSXH huyện Lộc Bình bắt đầu huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Lãnh đạo NHCSXH huyện cho biết: Thời gian đầu, việc triển khai gặp khó khăn vì các tổ viên nghĩ gửi tiết kiệm phải có số tiền lớn, trong khi họ là người nghèo, đối tượng chính sách, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên ngại tham gia. Cán bộ ngân hàng cùng các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ. Từ đó, các tổ viên hiểu và nhiệt tình tham gia.
Chủ trương nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản được triển khai theo hình thức tự nguyện. Theo đó, mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn khác nhau, tùy theo quy ước của các tổ, nhưng mức gửi tiết kiệm bình quân là từ 30 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/người/tháng, tất cả đều được công khai, minh bạch. Để giúp các Tổ tiết kiệm và vay vốn quen dần với hình thức này, thời gian qua, NHCSXH huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cấp phát tài liệu hướng dẫn. Ngoài ra, cán bộ ngân hàng còn trực tiếp làm mẫu các thủ tục theo phương thức “cầm tay chỉ việc” để hướng dẫn các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ viên. Những vướng mắc trong quá trình ghi chép sổ, phiếu thu được ngân hàng giải đáp, hướng dẫn kịp thời.
Lãnh đạo NHCSXH huyện cho biết thêm, việc nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo cho người nghèo ý thức tiết kiệm để tạo vốn. Kể từ khi thực hiện chương trình, đã có nhiều hộ vay chủ động gửi tiền tiết kiệm để chuyển khoản trả nợ, trả lãi ngân hàng, giảm bớt khó khăn khi đến hạn trả tiền lãi và nợ gốc; giúp các hộ vay, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình thu, nộp nợ, lãi vay.
Trên địa bàn huyện Lộc Bình hiện có 281 Tổ tiết kiệm và vay vốn và có 100% tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiểm với tổng số dư tiền gửi là 9,6 tỷ đồng, bình quân 34 triệu đồng/tổ. |
Theo Kim Huyên Báo Lạng Sơn
Các tin bài khác
- » Nam Định nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay
- » Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”.
- » Đưa vốn đến người có công
- » Nhịp cầu dẫn vốn thân thương trên rẻo cao Đakrông
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Tín hiệu tốt của xã thuần nông
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp nhiều hộ dân thoát nghèo
- » Cầu nối quan trọng dẫn vốn ưu đãi
- » Mang vốn đến cho đồng bào vùng cao
- » Người K’ho thoát nghèo