Nam Định nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Nam Định đang thực hiện 10 chương trình cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. Với sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục trong hoạt động, NHCSXH tỉnh đã rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vay, phương án đầu tư vốn, đơn giản thủ tục nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn đầu tư cho hoạt động phát triển SXKD của các đối tượng vay vốn tín dụng ưu đãi. Tổng nguồn vốn các chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh Nam Định đến nay đạt trên 2.799 tỷ đồng; hiện có 108 nghìn hộ gia đình đang vay vốn, chiếm gần 20% số hộ dân trên địa bàn. Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định Phạm Văn Hưng, dư nợ tín dụng chính sách tiếp tục tăng trưởng cho thấy hoạt động SXKD của các hộ được vay vốn có chiều hướng phát triển, trong đó có nhiều hộ đã mở rộng quy mô SXKD, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng tín dụng chính sách cho phát triển kinh tế của các địa phương có vai trò quan trọng của các tổ chức hội, đoàn thể và cấp ủy Đảng, chính quyền các phường, xã, thị trấn. Từ chỗ không có hoặc thiếu tư liệu sản xuất, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, các mô hình SXKD quy mô lớn theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Thực hiện kế hoạch kiểm tra nội bộ, đến nay NHCSXH tỉnh đã tiến hành kiểm tra toàn diện tại 6 đơn vị, phúc tra 4 đơn vị, kiểm tra 22 hội, đoàn thể cấp huyện, 35 xã, phường, thị trấn, 103 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 706 hộ vay vốn đảm bảo về thời gian, chất lượng tín dụng theo kế hoạch. NHCSXH các huyện, thành phố đã tự kiểm tra 119 xã, thị trấn và 231 lượt hội, đoàn thể cấp xã, 752 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 3.853 hộ vay vốn… Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh còn thường xuyên kiểm tra đột xuất hoạt động tại các Điểm giao dịch xã và thực hiện đánh giá, chấm điểm mỗi tháng ít nhất tại 2 huyện, đồng thời chỉ đạo NHCSXH các huyện, thành phố phân công lãnh đạo tự kiểm tra hoạt động tại Điểm giao dịch xã đảm bảo mỗi tháng kiểm tra 10% số xã, thị trấn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ xa đảm bảo kiểm soát tốt việc cho vay, thu nợ, xử lý nợ theo đúng quy định, định kỳ và chỉnh sửa kịp thời các sai sót trong quá trình tác nghiệp được cảnh báo trên chương trình thông tin báo cáo. Qua công tác kiểm tra, giám sát của NHCSXH tỉnh cùng các cấp hội, đoàn thể cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cơ bản được cho vay đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích. Các cấp hội đã phát huy tốt vai trò giúp đỡ gia đình hội viên trong việc sử dụng vốn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Theo thống kê, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, 6 tháng đầu năm 2018 đã có 749 hộ nghèo, 2.519 hộ cận nghèo, 1.122 hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp 537 hộ thoát nghèo, 520 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 997 lao động; 2.805 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng 21.472 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 10 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát và hộ chưa có nhà ở, đóng góp tích cực thực hiện an sinh xã hội ở các địa phương.
Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, NHCSXH tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, các huyện, thành phố; tập trung phát triển cho vay, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thuộc diện theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ tiếp cận thụ hưởng nguồn vốn vay và các dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng để phát triển kinh tế hộ. Chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác để cho vay phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh cũng phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành chức năng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay, đôn đốc, xử lý và thu hồi nợ đến hạn, quá hạn nhằm bảo đảm tăng trưởng nguồn vốn tín dụng ổn định, an toàn.
Theo Văn Đại Báo Nam Định
Các tin bài khác
- » Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”.
- » Đưa vốn đến người có công
- » Nhịp cầu dẫn vốn thân thương trên rẻo cao Đakrông
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Tín hiệu tốt của xã thuần nông
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp nhiều hộ dân thoát nghèo
- » Cầu nối quan trọng dẫn vốn ưu đãi
- » Mang vốn đến cho đồng bào vùng cao
- » Người K’ho thoát nghèo
- » Nữ Tổ trưởng hết mình vì công việc