Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội vùng cao biên giới Lào Cai

24/07/2018
(VBSP News) Thời điểm một thập niên trước, Lào Cai còn là một trong 6 tỉnh nghèo nhất nước, có đến 139/161 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn và 3 huyện là Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ với trên 54% hộ nghèo. Trước thực trạng đó, cùng với việc khôi phục nền kinh tế sau khi tái lập tỉnh, việc bảo đảm an sinh xã hội trên toàn địa bàn, nhất là ở các huyện, các xã đặc biệt khó khăn vùng cao biên giới được tỉnh Lào Cai xác định là một trong những mục tiêu quan trọng. Nhiều chính sách giảm nghèo của Trung ương, của địa phương đã được ban hành và thực hiện rộng rãi, đạt hiệu quả như chương trình 135, 134, 30a, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS đã góp phần tích cực thúc đẩy công tác XĐGN nhanh và bền vững.
Một buổi sinh hoạt, bình xét hộ nghèo được vay vốn tại Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Văng Đẹt, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương

Một buổi sinh hoạt, bình xét hộ nghèo được vay vốn tại Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Văng Đẹt, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương

Thật vậy, từ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, từ sự hỗ trợ đầu tư các nguồn lực, trong đó phải kể đến 12/13 chương trình tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH tổ chức thực hiện là hộ đồng bào DTTS và 3 chương trình dành cho đồng bào DTTS theo quyết định của Chính phủ đạt kết quả rất ấn tượng, tạo được niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lào Cai là 12,7%, riêng ở 3 huyện nghèo Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 7%. Đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, Tày… ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới được tiếp cận nhiều nguồn vốn chính sách, được hướng dẫn về kỹ thuật có điều kiện phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo hiệu quả, điển hình là mô hình chăn nuôi gia súc sinh sản tại xã Bản Xen, Bản Nâu, huyện Mường Khương trồng cây đào riềng cao sản và chế biến mỳ màu tại xã Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp hàng hóa như mận, chuối, dứa, chè… tại các xã Na Hối, Bản Phối, huyện Bắc Hà. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn còn triển khai xây dựng gần 80 mô hình thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngành nghề truyền thống từ “bà đỡ” về vốn của NHCSXH.

Tín dụng chính sách đã và đang giúp dân tộc Mông ở huyện Mường Khương mở rộng diện tích trồng dứa, mang lại thu nhập cao cho bà con

Tín dụng chính sách đã và đang giúp dân tộc Mông ở huyện Mường Khương mở rộng diện tích trồng dứa, mang lại thu nhập cao cho bà con

Nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS và bổ sung cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn đã góp phần nâng tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Lào Cai lên trên 2.500 tỷ đồng; trong đó các huyện nghèo 30a cũng được NHCSXH đầu tư trên dưới 300 tỷ đồng cho đồng bào dân tộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa. Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn cũng đã tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân vay vốn chính sách, bình quân 21 tỷ đồng/xã để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 9.000 hộ là người dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy… thoát nghèo, có việc làm, thu nhập ổn định. Diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng cao khởi sắc, cuộc sống của đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt.  Tiêu biểu như ở huyện Mường Khương, được sự ưu tiên đầu tư và tập trung đầu tư vốn chính sách, đồng bào đã đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, tăng vụ năng suất trên một đơn vị canh tác. Đơn cử về các xã Thanh Bình, Nậm Chảy, Bản Lầu - giáp vành đai biên giới Việt - Trung, nhờ nguồn vốn chính sách nên đã chủ động phát triển các loại cây ăn quả, cây có múi với diện tích lên tới 60ha quýt ngọt, 50ha chanh 2 vụ và 170ha dứa thơm. Đồng bào Mông vùng sâu Tung Chung Phố, Tả Ngải Chố còn sử dụng vốn vay dành riêng cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để mua giống gà đen, trâu sinh sản, phát triển thành đàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là anh Thào Tính, dân tộc Mông ở thôn Ma Lốc 3, xã Bản Lầu, được NHCSXH và các hội, đoàn thể tuyên truyền, mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng quýt hồng, dứa vàng và nuôi trâu sinh sản. Sau nhiều năm chăm chỉ lao động cộng thêm sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện đã cho đồi dứa xanh tươi và 3 con nghé nữa ra đời, từ đó giúp gia đình ông trả hết nợ vay ngân hàng, thoát cảnh nghèo khó, để đến năm 2015, một lần nữa ông được vay tiếp 50 triệu vốn từ chương trình SXKD tại vùng khó khăn để đầu tư mở rộng đàn trâu sinh sản; vườn cam quýt thu nhập mỗi năm ngót 200 triệu đồng.

Tại xã Na Hối xa nhất, cao nhất của huyện nghèo Bắc Hà nhờ vốn vay chính sách đã thâm canh sử dụng diện tích mận tam hoa, ngô lai, lúa giống mới, đậu tương cao sản, coi đây là “bốn cây chủ lực” làm giàu, đột phá giảm nghèo bền vững. Đồng vốn chính sách trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp các thôn, bản vùng sâu, vùng xa xóa được nạn đói giáp hạt, giữ vững được an ninh trật tự, xây dựng được nhiều công trình cung cấp nước sạch, điện lưới, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nâng cao cuộc sống về vật chất và tinh thần.

Đón chúng tôi ngay tại lối vào vườn mận quả sai chín đỏ mọng, chị Sín Thị Thu, người dân tộc Tày ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà vui vẻ cho biết: “Đầu năm 2014, NHCSXH cho gia đình tôi vay 8 triệu đồng để nuôi lợn gà. Từ đồng vốn ưu đãi đó mà cảnh nhà đỡ gieo neo, túng bấn, trả hết vốn ngân hàng rồi liên tiếp 2 lần nữa gia đình tôi vay thêm vốn ưu đãi của các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi một cặp ngựa sinh sản, trồng 4.300m2 mận tam hoa, thu lãi 70 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ riêng nhà tôi, mà nhiều hộ dân trong bản, trong xã cũng được hỗ trợ vốn chính sách rất kịp thời để làm nhà ở, phát triển chăn nuôi, thâm canh vườn cây ăn quả. Đó cũng là nhờ vào sự quyết tâm không cam chịu đói nghèo của đồng bào cùng sự nhận thức, thay đổi cách làm ăn, phấn đấu làm giàu từ vốn vay chính sách.

“Có thể nói, phần lớn hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, đủ ăn, có tích lũy hằng năm và bộ mặt các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn được đổi mới từng ngày là có phần đóng góp đắc lực từ nguồn vốn vay chính sách của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện trong suốt 16 năm qua”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Hải Hà nhìn nhận.

Những nỗ lực giảm nghèo của Lào Cai cũng thêm rõ khi đặt trong bối cảnh một tỉnh vùng cao biên giới, có đông đồng bào DTTS sinh sống và nhiều xã, huyện nghèo đặc biệt khó khăn nhưng NHCSXH đã chủ động khai thác, tranh thủ các nguồn vốn, tạo bước đột phá trong tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS. Đây chính là nền tảng cho triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, sâu rộng hơn vào xã hội, giúp cho hộ vay vốn cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo hằng năm ở vùng miền núi dân tộc.

Bài và ảnh Lương Xuân - Đông Dư

Các tin bài khác