Vốn vay chính sách tiếp sức cho mô hình sản xuất nông nghiệp mới
Chúng tôi có mặt tại Khẩu Cồ, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) vào những ngày này khi những nương đồi trồng sả của 26 thành viên trong HTX nông nghiệp Bản Cầm đang chờ cơn mưa để xanh tốt, đợi ngày thu hoạch lứa lá đầu tiên. Hồ hởi dẫn chúng tôi lên tham quan mô hình trồng sả của HTX, Giám đốc Phạm Tiến Lữ cho biết, chỉ sau trận mưa thôi, cả một vùng sả này sẽ tươi tốt, đầu ra cho sản phẩm thì đã có rồi, do một doanh nghiệp ở Bản Sen - Mường Khương bao tiêu toàn bộ sản phẩm để sản xuất tinh dầu sả. Ngoài nguồn vốn tự có của các thành viên trong HTX, năm 2018, các thành viên được vay thêm 350 triệu đồng từ vốn vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để đầu tư trồng sả sản xuất tinh dầu, trồng đao riềng sản xuất tinh bột. Hiện tại, HTX đã đầu tư giống trồng được 2ha cây sả Java và 26ha cây đao riềng. Với giá thu mua 1.800 đồng/kg lá sả tươi, 1ha (trồng 1,6 vạn gốc sả) năm đầu tiên (tính trung bình 1 gốc sả thu 1kg lá/lứa), trừ chi phí giống, phân bón, công chăm sóc, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha. Từ năm thứ hai, bình quân mỗi gốc sả thu được 2kg lá sả tươi/lứa, hứa hẹn nguồn thu tăng gấp đôi. Đặc biệt từ năm thứ 3, có thể thu tỉa để bán giống, nhân rộng mô hình ra các hộ nông dân có nhu cầu trồng sả, cũng mang lại một nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể.
Khác với HTX nông lâm nghiệp Bản Cầm lựa chọn cây trồng phù hợp với địa thế canh tác trên đất dốc, HTX nông nghiệp công nghệ cao Gia Phú mạnh dạn đầu tư và lựa chọn hướng canh tác mới. Có mặt tại khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở xã Gia Phú khi những thành viên của HTX nông nghiệp công nghệ cao Gia Phú đang cần mẫn tỉa lá cho những cây dưa lê vân lưới, giống dưa lê được nhập khẩu từ Nhật Bản đang trồng thử nghiệm vụ đầu tiên tại đây. Ngừng công việc chỉ đạo sản xuất kỹ thuật, Giám đốc Trần Ngọc Huế chia sẻ: Để đầu tư khu sản xuất công nghệ cao chúng tôi phải bỏ ra một nguồn vốn tương đối lớn trên 2 tỷ đồng. Do đó, sau khi đầu tư cơ sở vật chất, mặt bằng sản xuất, để tiếp tục triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao tại đây, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Rất may mắn cho chúng tôi khi có thêm nguồn vốn tiếp sức từ NHCSXH huyện. Với số tiền 300 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, các thành viên trong HTX đã mạnh dạn triển khai trồng thử nghiệm vụ dưa lê vân lưới đầu tiên (với 5.000 gốc) trên diện tích gần 2.000m2 nhà màng công nghệ.
Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú Phạm Thị Nhật khẳng định: Nguồn vốn vay tiếp sức thêm cho các HTX sản xuất nông nghiệp như NHCSXH huyện Bảo Thắng đã và đang làm thật có ý nghĩa, mặc dù chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn, nhưng đó cũng là có thêm nguồn lực để các HTX mạnh dạn đầu tư sản xuất những mô hình nông nghiệp mới. Như tại địa phương xã Gia Phú, thì việc có thêm những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một hướng phát triển mới trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Khánh là hội viên nông dân xã Sơn Hải hiện có một trang trại kinh tế tổng hợp ở thôn Cố Hải, với hơn 10ha rừng trồng chủ yếu 2 loại cây lâm nghiệp như quế, mỡ; ngoài ra còn có hơn 1,3ha diện tích mặt nước phát triển nuôi cá. Mỗi năm từ 4 ao cá của gia đình, cũng đem lại sản lượng gần 15 tấn cá thương phẩm. Cùng với trồng rừng, chăn nuôi cá, gần đây gia đình mạnh dạn trồng thêm 400 gốc bưởi đỏ Hòa Bình và 300 gốc thanh long ruột đỏ. Để có thêm nguồn vốn mở rộng trang trại, ông được NHCSXH huyện Bảo Thắng giúp sức cho vay 100 triệu đồng tiền vốn, để bổ sung vào chi phí đầu tư hằng năm, từng bước mở rộng trang trại…
Ngoài 3 mô hình sản xuất nông nghiệp trên, từ chương trình tín dụng chính sách còn hỗ trợ nguồn vốn vay cho các hộ vay lẻ để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, có gia đình ông Lương Văn Khang ở thôn Tân Thượng, xã Trì Quang phát triển chăn nuôi bò. Từ vốn vay 100 triệu đồng do NHCSXH huyện đầu tư, gia đình ông Khang đã mở rộng đầu tư làm chuồng trại kiên cố, mua thêm bò giống, đầu tư trồng cỏ để phát triển chăn nuôi theo quy mô sản xuất hàng hóa. Đến nay, gia đình ông đã có trên 20 con bò. Không chỉ có thêm nguồn vốn đầu tư mua bò giống, làm chuồng trại. Cũng tại Trì Quang, hộ gia đình ông Ngô Văn Hưng cũng được tiếp cận nguồn vốn này để phát triển kinh tế gia đình từ trồng rừng, chăn nuôi tổng hợp…
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Thắng Hoàng Thị Thu Lý cho biết, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, năm 2018, từ nguồn vốn địa phương, tỉnh phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho huyện Bảo Thắng 1 tỷ đồng để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trong đó ưu tiên các mô hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ cao. Trong năm 2017 và năm 2018 tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn vay ủy thác 1,5 tỷ đồng cho huyện Bảo Thắng. Theo đó, đến nay, thông qua hệ thống NHCSXH, đã giải ngân đạt 100% kế hoạch. Số vốn được giải ngân kịp thời, tiếp thêm nguồn lực cho các HTX triển khai các mô hình sản xuất đảm bảo khung thời vụ ngay từ đầu năm. Cũng từ chương trình nhận ủy thác tại địa phương, ngoài nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, UBND huyện Bảo Thắng đã quan tâm dành nguồn kinh phí từ ngân sách huyện để ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Năm 2018, huyện đã cấp được 500 triệu đồng, số dư đến nay là 1,5 tỷ đồng.
Bài và ảnh Lê Thanh Cường
Các tin bài khác
- » Krông Pa tập trung đẩy mạnh giảm nghèo trong vùng DTTS
- » Điểm sáng Lộc Bình
- » Nam Định nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay
- » Tọa đàm “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”.
- » Đưa vốn đến người có công
- » Nhịp cầu dẫn vốn thân thương trên rẻo cao Đakrông
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Tín hiệu tốt của xã thuần nông
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp nhiều hộ dân thoát nghèo
- » Cầu nối quan trọng dẫn vốn ưu đãi